Gỡ vướng trong giải ngân vốn ODA

ODA là dòng vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài được bổ sung vào nguồn vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên đến nay, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn ODA đã được cải thiện nhưng vẫn còn những điểm vướng cần sớm được tháo gỡ để thúc đẩy thanh toán nguồn ngoại lực này, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Chú thích ảnh
Các gói thầu tại khu Depot Nhổn đang bám sát tiến độ chung của dự án, sẽ hoàn thành trong tháng 12/2023. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Thực tế tại một số dự án sử dụng vốn ODA hiện nay cho thấy, việc giải ngân vốn ODA tại nhiều dự án đã đạt được những bước tiến khả quan. Chẳng hạn như tại dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, ông Lê Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, dự án đã đạt được 75% tiến độ và khối lượng. Riêng đoạn trên cao với mục tiêu vận hành khai thác vào đầu năm 2024 đã đạt 99,5% tiến độ và khối lượng. Năm 2023, Ban quản lý được thành phố Hà Nội đã giao cho 2.500 tỷ đồng vốn đầu tư công và Ban quản lý đang nỗ lực hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu được giao.

Hay ở các dự án thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phạm Đình Văn, Trưởng ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, trong ba quý vừa qua, tiến độ giải ngân dự án thủy lợi đều đạt và đáp ứng theo tiến độ chung của Chính phủ. Nếu quý I/2023, ngành nông nghiệp đã giải ngân trên 15% thì đến quý III đã giải ngân được 64% so với kế hoạch vốn của Bộ giao.

Theo ông Hoàng Hải, Cục phó Cục Tài chính Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), năm 2023, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách Trung ương là 27.975 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 lũy kế đến 31/8/2023 đạt 26,89%; trong đó, các bộ, ngành đạt ,14%, địa phương đạt 18,61%.

Như vậy, có thể nhận thấy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chậm giải ngân vốn ODA có tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của các địa phương. Bởi, các dự án này hầu hết là các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước và môi trường đô thị.

Nguồn vốn vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các địa phương năm 2023 là nguồn vốn vay bù đắp bội chi chủ yếu của ngân sách địa phương và chiếm 72,6% dự toán bội chi ngân sách địa phương. Do đó, giải ngân chậm vốn ODA dẫn đến thiếu nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển của các địa phương.

Việc triển khai các dự án sử dụng vốn ODA gặp nhiều khó khăn do tính đặc thù về cơ chế quản lý và giải ngân so với các dự án đầu tư công sử dụng vốn trong nước. Ông Hoàng Hải cho rằng, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu xuất phát từ tình trạng không có khối lượng công trình hoàn thành. Các dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; chậm đấu thầu, ký kết hợp đồng, điều chỉnh thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế kỹ thuật...

Bên cạnh đó, các dự án phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, Cùng đó, cơ cấu vốn, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay để gia hạn thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư và việc triển khai dự án chậm trễ, chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Do việc vừa phải tuân thủ các quy trình thủ tục trong nước, vừa phải tuân thủ các quy định, yêu cầu của nhà tài trợ cũng dẫn đến tình trạng các dự án phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công; trong đó, có vốn ODA, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh; đồng thời tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì những cơ chế mà trước đây đã thực hiện hiệu quả.

Về phía Bộ Tài chính, ông Hoàng Hải cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành tài chính đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay nước ngoài. Cụ thể là có công văn gửi các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề nghị khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Cùng đó, phối hợp với các chủ dự án xử lý các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền; thực hiện kiểm soát chi, ký đơn rút vốn ngay khi nhận được hồ sơ đầy đủ của chủ dự án. Đồng thời, làm việc với nhà tài trợ rà soát, nắm tiến độ và đề xuất xử lý vướng mắc của từng dự án…

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ dự án đẩy nhanh giải ngân trong phạm vi dự toán được giao; báo cáo cơ quan chủ quản phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý khó khăn vướng mắc trong triển khai. Đồng thời, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Về phía các dự án ODA của địa phương, Bộ Tài chính đã đôn đốc trực tiếp tại 8 địa phương giải ngân chậm là Hòa Bình, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Tây Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bến Tre và một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân chậm gồm 5 dự án tại 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Nam và Thanh Hóa. Cùng đó, nhanh chóng xử lý, trả lời kiến nghị của các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc thuộc trách nhiệm của Bộ, trao đổi với các nhà tài trợ rút ngắn thủ tục nhằm kịp thời triển khai dự án.

Thùy Dương (TTXVN)
Thủ tướng: Gỡ nút thắt, thúc đẩy các dự án cao tốc và vốn ODA ở Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng: Gỡ nút thắt, thúc đẩy các dự án cao tốc và vốn ODA ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trong chương trình công tác tại thành phố Cần Thơ, chiều 8/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN