Gói 30.000 tỷ: Ngân hàng đã sẵn sàng, người vay phải tính toán

Sau hơn 1 tuần triển khai gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, 5 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước được giao nhiệm vụ đã vào cuộc để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn tín dụng cho khách hàng. Theo nhiều ý kiến, giải tỏa những băn khoăn thắc mắc về điều kiện vay vốn là yếu tố quan trọng nhất để chính sách hỗ trợ mua nhà đi vào cuộc sống.


Ngân hàng sẵn sàng, người vay phải tính toán


Theo nhiều người có nhu cầu mua nhà từ gói tín dụng ưu đãi, do phải đáp ứng đủ các tiêu chí vay, chứng minh phương án trả nợ nên việc “ra lò” bản hợp đồng giữa khách hàng và ngân hàng cũng không hề giản đơn.


Đẩy nhanh quá trình giải ngân


Mới đây, NHNN đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc cho vay hỗ trợ nhà ở với 5 ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); NHTM Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); NHTM Công thương Việt Nam (Vietinbank); NHTM Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và NHTM Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB). “Việc ký kết hợp đồng nguyên tắc sẽ đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ tới đúng đối tượng được vay vốn, giúp người dân có cơ hội mua nhà”, cán bộ NHNN nói.


Khu nhà ở thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phường An Phú, quận 2, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Theo tìm hiểu của chúng tôi, 5 ngân hàng được giao nhiệm vụ triển khai đều bám sát chỉ đạo của NHNN và Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, một vấn đề mà người dân thắc mắc là cơ cấu gói tín dụng ưu đãi. Theo quy định của NHNN: 70% giá trị gói tín dụng là dành cho cá nhân nhưng một số NHTM lại phân bổ số tiền cho DN vay là 60% và người mua nhà vay là 40% trong 2- 3 năm đầu tiên, sau đó giảm dần vào năm thứ 4 với tỷ lệ tương ứng là 30% và 70%


Trả lời vấn đề này, đại diện NHNN cho biết: Về tổng thể, NHNN sẽ quản lý tỷ lệ cho vay khách hàng doanh nghiệp (DN) tối đa là 30% trong toàn bộ chương trình. Tuy nhiên khi triển khai các NHTM căn cứ vào các đối tượng khách hàng của mình để có kế hoạch cho vay linh hoạt trong từng giai đoạn. “Để có nhà ở xã hội (NOXH) cho người dân mua nhà thì giai đoạn đầu các ngân hàng có kế hoạch đẩy mạnh giải ngân cho DN để tăng “cung”. Giai đoạn sau thì đẩy mạnh cho vay đối với người mua nhà khi cung trên thị trường đã dồi dào”, lãnh đạo NHNN lý giải.

 

Trở ngại nhất là khả năng trả nợ


Mục tiêu của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là giúp người thu nhập thấp có nhà ở nhưng bất cập nhất hiện nay là những người có nhu cầu thực sự, đáp ứng được tiêu chí để vay lại không đảm bảo được phương án trả nợ.


Từ khi nghe thông tin người thu nhập thấp sẽ được vay vốn chỉ với lãi suất 6% trong vòng 10 năm để mua nhà, vợ chồng anh Nguyễn Minh Trí, phóng viên một tờ báo tại TP Hồ Chí Minh đã rất phấn khởi. Tuy nhiên, khi đọc những quy định và tính toán lại phương án tài chính thì hai vợ chồng anh đành tiếp tục ở nhà thuê. Sau gần 10 năm công tác, hệ số lương của anh Trí và vợ hiện tại là 3.0, cộng thêm phụ cấp thì tổng cộng lương tháng của cả hai vợ chồng là 9 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt thì thu nhập của gia đình anh Trí khó ngân hàng nào chấp nhận cho vay.

Ông Trần Du lịch - Đại biểu Quốc hội (TP Hồ Chí Minh):

Có hấp thụ nổi hay không?

Tôi cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ mua nhà 30.000 tỷ đồng là cần thiết nhưng gói này chỉ chủ yếu ưu đãi cho người mua nhà chứ không phải cho dân nghèo. Cấp ưu đãi cho người mua nhà thì chính nó sẽ mở ra thị trường cho các DN bất động sản (BĐS), hưởng lợi nếu như DN có sản phẩm. Thật ra vấn đề đặt ra, là có hấp thụ nổi hay không? Các NHTM có mạnh dạn cho vay để các người dân mua nhà ở không? Khi NHTM cho vay rồi thì NHNN mới tái cấp vốn lại trên khoản vay đó thì mới ổn được. Nếu làm được tốt các vấn đề này thì năm nay mới khơi dậy được thị trường BĐS.

V.Tôn (ghi)


Đó là chưa kể, để mua căn nhà thương mại chuyển sang NOXH có diện tích nhỏ nhất là 50 m2, giá bán 15 triệu đồng/m2 thì vợ chồng anh cần phải có tổng cộng 750 triệu đồng. Nếu đóng trước 30% cho chủ đầu tư, anh sẽ phải vay ngân hàng 600 triệu đồng. Với thời gian vay trong 10 năm, tức là mỗi năm anh phải trả 60 triệu đồng, chia đều ra mỗi tháng là 5 triệu đồng tiền gốc; cộng với mức lãi suất ít nhất mỗi tháng anh phải trả hơn 2 triệu đồng. Như vậy, cộng cả lãi và gốc anh phải trả mỗi tháng là 7 triệu đồng. “Với tính toán này, nếu ngân hàng duyệt cho anh được vay thì chỉ có cách nhịn ăn thì mới dám vay”, anh Trí nói.


Theo chân một khách hàng tới hỏi thủ tục vay tại một điểm giao dịch Vietinbank (Hà Nội), 2 cán bộ tín dụng của Vietinbank đã giải thích cặn kẽ cho khách hàng về cách thức vay của gói tín dụng. Ghi nhận của chúng tôi về sự trao đổi giữa khách hàng Nguyễn Thị Mai Linh (thuê nhà ở Khu Thanh Xuân - Hà Nội) với cán bộ tín dụng, chị Mai Linh cho biết: Chị đang tìm mua căn hộ trị giá 830 triệu đồng tại Khu đô thị mới Sài Đồng (Hà Nội). Tổng thu nhập của gia đình là 14 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, phải trả lãi và gốc cho ngân hàng hơn 5,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trình bày, gia đình chị Mai được ngân hàng trả lời là không được vay 50% tổng giá trị của ngôi nhà theo nguyện vọng. “Vì sau khi trừ chi phí sinh hoạt của 2 vợ chồng khoảng 7 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí nuôi con sau này nên tối đa ngân hàng chỉ cho vay là 300 triệu đồng”, cán bộ tín dụng Vietinbank nói.


“Nếu chỉ được vay 300 triệu đồng và số tiền tiết kiệm có được là 400 triệu đồng để mua nhà thì tôi vẫn còn thiếu 130 triệu đồng. Do đó, nếu được ngân hàng cho vay thêm thì tôi mới mua được nhà”, chị Mai Linh chia sẻ.


Minh Phương - T.Linh


Chọn phương án vay phù hợp khả năng tài chính

Cuối tuần qua, đại diện NHNN đã giải đáp một số thắc mắc của người dân khi vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ ngân hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN