Ngày 5/4, tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Chính quyền thành phố Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt, tập trung cải cách hành chính, hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc".
Đại diện Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong bày tỏ khó khăn về giải phóng mặt bằng đối với dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu (huyện Sóc Sơn). Đồng thời đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án để chủ đầu tư tiến hành các bước tiếp theo.
Còn ông Ulrich Petersen, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội nêu khó khăn liên quan đến cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội và việc lập quy hoạch phân khu xây dựng và đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận Bắc Từ Liêm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Doanh nghiệp đang đầu tư Dự án cụm công nghiệp CN3 (huyện Sóc Sơn) diện tích 78,15 ha, đã cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56 ha. Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. Doanh nghiệp đề nghị thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.
Từng vấn đề đã được lãnh đạo UBND thành phố, cùng các sở, ngành thẳng thắn trao đổi, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Liên quan đến giải pháp mặt bằng triển khai các dự án, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, lãnh đạo UBND các huyện đã nắm rất chắc, thậm chí nắm chắc từng m2 của từng hộ dân. Vì vậy, lãnh đạo UBND các huyện sẽ có những giải pháp để công tác giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả, kịp tiến độ.
Về vấn đề giao đất, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý, không để xuất hiện tình trạng lợi dụng việc giao đất nhiều lần để chây ì, "dễ làm trước, khó bỏ lại". Các vấn đề về thủ tục hành chính như: giao đất, cấp phép xây dựng, nghiệm thu... trên tinh thần chung thành phố sẽ tháo gỡ. Cụ thể, tới đây, thành phố cùng với các sở, ngành, chính quyền địa phương cố gắng thiết kế làm việc theo quy trình làm việc một cửa và một cửa liên thông, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đối với các trường hợp kiến nghị cụ thể của từng công ty, thành phố sẽ ghi nhận và giải quyết theo đúng quy định, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương của thành phố đã nghiêm túc tiếp thu và chủ động triển khai ngay những nội dung thuộc thẩm quyền; tham mưu UBND thành phố đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của thành phố và tham mưu UBND thành phố báo cáo, đề xuất với Trung ương những nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương; đồng thời kịp thời phân loại và có giải pháp căn cơ, triệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Đáng chú ý, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các sở, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; thực hiện miễn giảm thuế, phí; các chính sách hỗ trợ người lao động. Cùng đó, hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường và kênh phân phối sản phẩm, kết nối tiêu thụ hàng hóa; nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp như các lĩnh vực: đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội,…
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến nay thành phố hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348 ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Quang Minh 2, diện tích 160 ha và Khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8 ha); hoàn tất thủ tục thành lập mới khu công nghiệp Đông Anh, với diện tích 300 ha; tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018 - 2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục, phấn đấu hoàn thành khởi công 43/43 cụm công nghiệp trong năm 2024.