6 tháng đầu năm 2020, ngành chăn nuôi tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ tái đàn, tăng đàn lợn, đáp ứng đủ nguồn cung con giống cho nhu cầu tái đàn để tăng nguồn cung lợn thịt, góp phần giảm giá bán sản phẩm và ổn định thị trường; triển khai chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Đến tháng 6/2020 theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố tình hình tái đàn và tăng đàn lợn được tổng hợp cho thấy, có 9 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100% (trung bình là hơn 118%) so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Trong đó, đứng đầu là Bình Phước đạt 150%; tiếp đến là Đắk Nông, Bình Định, Bình Thuận, Đắk Lắk, Hòa Bình, Cà Mau, Yên Bái, Tây Ninh.
Nhóm có tỷ lệ tái đàn từ 90 - dưới 100% (trung bình tái đàn 96,26%), gồm 9 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum, Nam Định, Thanh Hóa, Lâm Đồng và Tuyên Quang.
Nhóm có tỷ lệ tái đàn tử 70 - dưới 90% gồm 23 tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng thuộc nhóm nhóm 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tái đàn dưới 70% gồm: Bắc Ninh, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Bạc Liêu, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An, An Giang, Hải Dương, Kiên Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn và Đồng Tháp.
Phân tích những khó khăn trong tăng đàn, tái đàn lợn, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) rất nguy hiểm chưa có vắc xin phòng bệnh, chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát.
Việc các địa phương chậm công bố hết dịch hoặc chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương hay chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do DTLCP cho người dân cũng ảnh hưởng đến tốc độ tái đàn.
Bên cạnh đó, vấn đề nguồn giống cũng ảnh hưởng đến công tác tái đàn. Cụ thể, theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi, do các tháng 5 - 9/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh DTLCP, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá lợn giống hiện nay rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.
Từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu 2020 mới tái đàn, như vậy dự kiến đến cuối Quý III, đầu Quý IV/2020 mới đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt lợn.
Năm 2020 sản lượng thịt xuất chuồng Quý I/2020 đạt hơn 811.000 tấn, dự kiến Quý II/2020 đạt hơn 900.000 tấn, Quý III/2020 đạt hơn 1,0 triệu tấn và Quý IV/2020 đạt gần 1,1 triệu tấn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018 (trước khi có bệnh DTLCP) là khoảng 920.000 tấn, như vậy đến cuối Quý III, đầu Quý IV sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn.
Để đảm bảo công tác tái đàn khôi phục phát triển đàn lợn trong sản xuất, các biện pháp 6 tháng cuối năm của ngành chăn nuôi là không chỉ ở các cơ sở chăn nuôi trang trại, công nghiệp mà còn phải rất chú ý khôi phục đàn lợn ở khu vực các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp nếu đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH); phổ biến rộng các giải pháp chăn nuôi ATSH kết hợp sử dụng hợp lý các chế phẩm vi sinh tăng cường sức đề kháng chống chịu dịch bệnh nói chung và bệnh DTLCP cho đàn lợn; tăng nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu sản xuất.
Ngoài biện pháp nhập khẩu lợn giống các loại, có thể khuyến khích biện pháp nhập khẩu lợn thương phẩm ở các độ tuổi về nuôi thịt nếu đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh, nhập khẩu lợn sống từ các nước lân cận về giết mổ để giảm ngay áp lực cho nguồn cung.
Ngành nông nghiệp cũng cam kết phối hợp với Tổng cục Thống kê đến làm việc tại một số địa phương để phát hiện những nguyên nhân sai khác về số liệu đầu con và sản lượng lợn thịt hiện nay giữa số liệu của thống kê với số liệu của ngành nông nghiệp; tổng hợp, cập nhật đầy đủ, chính xác theo quý về số lượng và cơ cấu đàn lợn của các doanh nghiệp có thị phần lớn về chăn nuôi lợn.