Chị Mai Kiên, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ cóc trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi lấy thịt ở khu lò mổ, giá vẫn như trước, thậm chí có lúc tăng, nên không hạ giá bán được. Thịt lợn ba chỉ cắt ngắn có giá 180.000 đồng/kg; nếu để khúc dài là 160.000 đồng/kg; mông sấn từ 140.000 - 150.000 đồng/kg”.
Theo chị Mai Kiên, mặc dù thông tin nhập khẩu lợn sống khiến giá thịt lợn hơi “hạ nhiệt”, nhưng dịch tả lợn châu Phi lây lan trở lại dẫn đến khan hiếm nguồn cung lại đẩy giá lợn hơi tăng. Giá lợn hơi ngày 3/6 tại miền Bắc được thương lái thu mua ở mức khoảng 96.000 - 100.000 đồng/kg.
Tại ngõ chợ Lương Đình Của (Đống Đa), chị Minh Hằng, tiểu thương cho rằng: Giá lợn hơi giảm không đáng kể, nên những người bán chưa thể hạ ngay. "Chúng tôi cũng không muốn bán cao vì người mua sẽ ít đi, nhưng giá nhập thịt lợn không giảm mạnh nên bán tại chợ nhìn chung vẫn đứng giá", chị Hằng nói.
Tại chợ Mai Động, quận Hoàng Mai, chị Tuyết Thanh (nội trợ) chia sẻ: Giá thịt lợn lâu lắm không giảm, mà chỉ tăng. Thời điểm giá rẻ, tại chợ cóc khu vực Mai Động cũng đã bán 160.000 đồng/kg. Hiện giá thịt rọi là 180.000 đồng/kg; nạc vai là 180.000 đồng/kg; sườn 180.000 đồng/kg, loại ngon 200.000 đồng/kg.
Giá thịt mát Meat Deli hôm nay 3/6 trên trang web của Vinmart được bán quanh ngưỡng 154.000 - 309.900 đồng/kg. Thịt nạc đùi lợn và nọng lợn lần lượt báo giá 169.900 đồng/kg và 416.900 đồng/kg.
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giá thịt lợn tháng 5/2020 tăng 4,13% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị tăng 3,67%; khu vực nông thôn tăng 4,37%. Do các nhà hàng, quán ăn đã mở cửa trở lại sau thời gian tạm nghỉ do giãn cách xã hội, nên nhu cầu thực phẩm tăng cao hơn so với tháng trước; trong khi đó nguồn cung thịt lợn chưa đảm bảo, vì vậy giá thịt lợn bán lẻ ở các chợ truyền thống vẫn cao, ở mức từ 150.000 - 200.000đồng/kg. Trong những ngày giữa tháng 5/2020, giá lợn hơi còn lập đỉnh 100.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc từ 92.000 - 100.000 đồng/kg; giá tại miền Trung và Tây Nguyên từ 90.000 - 96.000 đồng/kg; giá tại miền Nam từ 93.000 - 97.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn tăng nên giá thịt chế biến cũng tăng 1,53%, giá các loại sữa, bơ, phomas tăng 0,28%.
Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu dùng thay thế cho sản phẩm thịt lợn tăng cao khiến giá các loại thịt gia cầm tươi sống cũng tăng 0,92% so với tháng trước. Trong đó, giá thịt gà tăng 0,52%, giá thịt gia cầm khác tăng 2,05%. Giá gà ta hiện từ 80.000 - 105.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn giá từ 40.000 - 55.000 đồng/kg.
Đề cập về giá cả thịt lợn cao, đặc biệt có thời điểm, giá thịt lợn vượt mức 100.000 đồng/kg, TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam chia sẻ: "Nguyên nhân giá lợn cao là do cung - cầu đang mất cân đối. Trong đó, có cả những yếu tố lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa trên thị trường để tăng giá. Mức giá thịt lợn hơi 100.000 đồng/kg không hợp lý cả về khía cạnh chi phí sản xuất và chi phí tiêu dùng. Hiện, giá con giống rất cao, từ 3 - 3,5 triệu đồng/con, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao, tỉ lệ hao hụt (lợn bị chết) tăng do dịch tả lợn Châu Phi chưa được kiểm soát hoàn toàn nên giá thành chăn nuôi lợn có thể lên tới 65.000 đồng/kg”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, với những doanh nghiệp hoặc trang trại tự cung cấp được con giống để tái đàn, quy mô trang trại lớn thì giá thành chăn nuôi giảm được rất đáng kể, ở mức khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg. Như vậy, với chi phí sản xuất nêu trên, cứ mỗi con lợn trọng lượng 100 kg được xuất chuồng, doanh nghiệp và người chăn nuôi lãi 4 - 5 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, do thịt lợn là hàng hóa có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, vì vậy Chính phủ cần điều tiết bằng các biện pháp kinh tế. Theo đó, cần tăng nguồn cung, sắp xếp lại mạng lưới, hỗ trợ tài chính tiền tệ, kiểm soát gian lận thương mại... để tác động vào việc hình thành giá, kéo giá vận động về mức hợp lý.
Liên quan tới nguồn cung - cầu thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận: Tình trạng thiếu nguồn cung hiện rất rõ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), so với 2018, năm 2019 đã thiếu 20 - 21% tổng đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường. Trong 3 tháng đầu năm 2020, các chỉ số này lại tiếp tục giảm 20% nữa so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nhiều địa phương như Bắc Giang còn phản ánh tình trạng thiếu nguồn cung cả lợn giống và lợn thịt, thiếu đến 50%, thậm chí trên 50%. Trong khi hiện vẫn còn khoảng 17 - 18 địa phương chưa công bố hết dịch. Như vậy, người nông dân chưa yên tâm để tái đàn. Nguồn cung đang rất thiếu, kể cả một số hộ muốn tái đàn thì họ không còn vốn, và dù có vốn thì con giống cũng rất đắt, mỗi con lên tới 2,5 - 3 triệu/con”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Để đẩy nhanh tốc độ tái đàn, tăng đàn lợn nhằm bù đắp nguồn cung, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp, điều kiện tối ưu cho công tác tái đàn.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, xét về tỷ lệ tái đàn lợn trong tháng 4/2020 so với thời điểm trước dịch thì tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Lai Châu đứng đầu với tỷ lệ %; tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Đồng Tháp có tỷ lệ tái đàn thấp nhất lần lượt là 36% và 21%. Trên cơ sở báo cáo của cơ quan chuyên môn của tỉnh, đến nay các tỉnh, thành tái đàn lợn vẫn còn đạt mức thấp so với thời điểm trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn. Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học. Ngành nông nghiệp các địa phương cần tổ chức thông tin, tuyên truyền chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Cùng với đó, các tỉnh cần tùy theo tình hình thực tế của địa phương để có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tái đàn và tăng đàn. Việc hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua cũng là một trong những biện pháp giúp người dân có nguồn lực và động lực để vực dậy việc chăn nuôi.
Trước đó ngày 28/5, Bộ NN-PTNT cũng lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống để giảm nhiệt thị trường lợn hơi. Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc ở trong nước, thực hiện cách ly lợn sống nhập khẩu 30 ngày. Như vậy, phải qua giữa tháng 7/2020 mới có lợn sống "ngoại" chính thức
Kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 diễn ra chiều 2/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng nêu: mặc dù Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp điều hành nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Thủ tướng chỉ đạo phải giữ giá thịt lợn ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, khâu giống, thức ăn, phát động phong trào chăn nuôi tái đàn trên cơ sở phòng ngừa tốt Dịch tả châu Phi. Cùng với đó là có biện pháp khác như là nhập khẩu.