Người dân thu dọn mái nhà lợp fibro ximăng bị bão số 2 làm hư hỏng trên đường Hàm Nghi, thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Tường Vũ/TTXVN |
Theo đó, bão số 2 đã làm 21 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 1.050 ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng nặng, 4.328 nhà bị hư hỏng nhẹ, 19 cơ sở y tế, 50 điểm trường học bị ảnh hưởng với 303 phòng học bị hư hỏng.
Về sản xuất nông nghiệp, 9.122 ha diện tích lúa hè thu bị ngập, 2.588 ha rau màu các loại bị ngập, 61,8 ha cây ăn quả bị đổ gãy và hư hỏng, 245 ha diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập nước; 14.347 con gia cầm bị chết.
Cơn bão đi qua đã làm 2.821 m3 đất, đá bị sạt lở, 14,6 km đường bị ngập nước, 5,8 km đường bị sạt lở hư hỏng, 32 cột điện trung và cao thế, 473 cột hạ thế bị đổ gãy, 28,1 km đường dây bị đứt.
Tổng trị giá ước tính là 499,334 tỷ đồng.
Để kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do bão số 2 gây ra, ổn định cuộc sống và triển khai các giải pháp ứng phó với mưa bão, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các bộ, ngành liên quan xem xét hỗ trợ cho Hà Tĩnh 100 tỷ đồng giúp cho người dân khôi phục sản xuất, khắc phục nhà cửa bị hư hỏng nặng, hỗ trợ các gia đình có tàu thuyền bị chìm và mất hết ngư cụ.
Hiện hạ tầng khu neo đậu, tránh trú bão tại Hà Tĩnh chưa đáp ứng cho các loại tàu cá lớn vào tránh trú bão. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 353 tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất trên 90CV nhưng do hạ tầng khu neo đậu không đáp ứng nên bão số 2 vừa qua các tàu lớn không có nơi neo đậu. Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cho điều chỉnh, bổ sung các khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh để đáp ứng cho các loại tàu lớn hơn 600CV - 1000CV vào tránh trú bão an toàn.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 40 hồ chứa đã bị hư hỏng, xuống cấp; trong đó có 4 hồ chứa bị hư hỏng nghiêm trọng, mùa lũ năm 2017 không cho tích nước, gồm hồ Khe Điếc, hồ Khe Su (huyện Hương Sơn), hồ Khe Trảy (huyện Vũ Quang) và hồ Thùng Trứa (huyện Hương Khê). Dự kiến kinh phí sửa chữa khoảng 50 tỷ đồng…