Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 14/6, Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Tuấn đã chia sẻ về nguyên nhân giảm thu NSNN. Theo đó, số thuế thu từ mặt hàng ô tô nguyên chiếc các loại giảm 51,78% (giảm tuyệt đối gần 6.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023, do tác động của cam kết cắt giảm thuế quan trong một số Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo phân tích của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Thái Lan, Indonesia là 2 thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất vào Việt Nam, chiếm khoảng 80% thị phần có ưu đãi thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định ATIGA giai đoạn 2022 - 2027, áp dụng cho ô tô nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm gần 7%/năm theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định EVFTA. Dự kiến đến năm 2030 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%.
Cùng với ô tô, mặt hàng xăng dầu các loại có kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên số thuế thu NSNN lại chỉ tăng khoảng 0,73 tỷ đồng do tác động của ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ thị trường ASEAN. Theo đó, thay vì nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc với mức thuế suất là 8%, các doanh nghiệp chuyển hướng nhập khẩu xăng từ ASEAN với mức thuế suất là 5%, dầu DO và dầu FO là 0%.
Mặt hàng sắp thép các loại có kim ngạch XNK tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên số thuế thu NSNN chỉ tăng khoảng 470,1 tỷ đồng do thị trường xây dựng dân dụng chưa thực sự hồi phục nên lượng hàng tồn kho lớn.
Số thu NSNN của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh còn bị tác động của chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, việc giảm thuế GTGT giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng số thu thuế GTGT đã giảm trong 5 tháng đầu năm 2024 là 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, hệ thống giao thông quanh các cảng và hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường vành đai 2, 3, 4 chưa hoàn chỉnh, thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, các cảng ICD Phước Long, Tanamexco, Transimex;
Hoạt động thi công các dự án cơ sở hạ tầng như cao tốc cũng gây ra sự cản trở cho giao thông, tăng chi phí vận tải do giá nhiên liệu và phí cầu đường tăng… khiến hàng hóa XNK có sự dịch chuyển đến một số địa phương khác.
Năm 2024, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh được giao dự toán thu NSNN 130.800 tỷ đồng, tăng 7,4% so với số thu NSNN năm 2023. Với tình hình thực tế nêu trên, đơn vị ước tính số thu NSNN năm 2024 là 127.050 tỷ đồng, tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai đồng bộ 8 giải pháp trong nửa cuối năm 20204. Trong đó, tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch tạo thuận lợi thương mại trước mắt và lâu dài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Dự kiến ngày 26/6, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại với gần 300 đại biểu là đại diện các cơ quan lãnh sự, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp tích cực vào số thu NSNN của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh để phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật về Hải quan.
Cục cũng chủ động theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá và dự báo tình hình thu NSNN tại đơn vị để kịp thời xây dựng phương án hành động cụ thể trong từng giai đoạn đảm bảo phấn đấu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu pháp lệnh được giao.
Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát, tổ chức thực hiện thống nhất chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là công tác miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa tại các Chi cục. Kịp thời nghiên cứu, đề xuất xử lý các vướng mắc phát sinh, đảm bảo thực hiện chính sách thuế đúng quy định, thống nhất trong toàn Cục.
Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về công tác trị giá hải quan, phối hợp với các Chi cục tổ chức tham vấn nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, thu đúng và đủ thuế cho NSNN.
Ngoài ra, Cục cũng thường xuyên rà soát, kiểm tra công tác phân loại, áp mã số thuế hàng hóa trong thông quan và sau thông quan, chú trọng các nhóm mặt hàng có kim ngạch lớn, hàng dễ nhầm lẫn về mã số, các tờ khai luồng xanh, các mặt hàng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và Thông báo kết quả Phân tích phân loại của Tổng cục Hải quan, các trường hợp cùng một mặt hàng nhưng khai báo nhiều mã số khác nhau hoặc kết quả phân tích phân loại không thống nhất nhằm kịp thời truy thu thuế do áp sai mã số, ngăn chặn việc doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để gian lận mã số, thuế suất.
Đối với công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành cần tăng cường hoạt động thu thập, phân tích thông tin để phát hiện dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro; thu thập, rà soát, phân tích thông tin dữ liệu về mặt hàng trọng điểm, nổi cộm về trị giá, xuất xứ, mã số, chính sách. Tập trung kiểm tra sau thông quan các trường hợp doanh nghiệp có rủi ro cao, hoạt động XNK phức tạp, thực hiện sản xuất kinh doanh, nhập khẩu trên nhiều địa bàn khác nhau.