Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sức mua hàng Tết đang tăng nhiệt. Nhưng nhờ chương trình bình ổn giá đã được triển khai tích cực cùng với các biện pháp quản lý giá cả thị trường của các cơ quan chức năng, Tết năm nay, người tiêu dùng đã bớt nỗi lo giá cả “leo thang”.
Thị trường Hà Nội: Khó biến động lớn về giá
Trong khi các cơ quan chức năng dự báo sức mua trong dịp Tết Nhâm Thìn tại Thủ đô sẽ tăng 20 – 25%, thì Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lại cho rằng năm nay, mức tăng có thể chỉ đạt khoảng 15 - 20%. “Trong hai ngày cuối tuần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao để phục vụ nhu cầu cúng ông Công, ông Táo của người dân. Nhưng, do tác động của kinh tế khó khăn, lương thưởng ngày Tết không tăng... nên sức mua của người dân trong dịp tết năm nay có thể không tăng mạnh như mọi năm”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội dự đoán.
Nhờ giá cả bình ổn và nhiều chương trình chăm sóc khách hàng, các siêu thị đang hút khách (ảnh chụp tại siêu thị Big C). |
Thêm nữa, từ vài năm gần đây, nhiều người dân đã bắt đầu có xu hướng “chơi Tết” thay vì “ăn Tết” như trước kia… “Những lý do này sẽ làm cho sức mua của người dân trong dịp Tết Nhâm Thìn chỉ tăng ở mức 15 - 20% so với các tháng trong năm”, ông Phú nhận định.
Sở Công Thương Hà Nội ước tính vào dịp cuối năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thành phố sẽ tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm, ước đạt khoảng 24.000 tỷ đồng/tháng. Trên cơ sở này, các trung tâm thương mại, siêu thị tại Thủ đô đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng phục vụ Tết đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia thương mại, sức mua không tăng mạnh cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng phong phú nên thị trường Tết năm nay khó xảy ra biến động lớn về giá cả. “Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) được vay 250,5 tỷ đồng từ chương trình bình ổn giá với lãi suất 0% đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên tới 905 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết Nguyên đán năm 2011. Hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty Cổ phần Nhất Nam cũng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa có giá trị tới 250 tỷ đồng, trong đó có nguồn vốn 35 tỷ đồng từ chương trình bình ổn giá. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội lại quyết định ứng thêm gần 95 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ thêm bốn loại mặt hàng gồm thịt heo, thịt gà, thủy, hải sản và rau củ để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán. Như vậy, tổng nguồn vốn Hà Nội chi cho chương trình bình ổn giá đã lên tới 570 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Vinh Phú, diện mặt hàng có giá cả biến động mạnh không nhiều, chỉ tập trung vào một loại mặt hàng phục vụ nhu cầu cúng lễ đêm giao thừa như gà trống, chân giò, hoa quả... Các mặt hàng này sẽ tăng mạnh nhất vào ngày 29, 30 Tết. Còn lại, các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia... cũng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết nhưng giá sẽ không tăng do nguồn hàng phong phú. Riêng mặt hàng bia, Tết mọi năm tăng giá rất mạnh nhưng năm nay trời rét đậm nên sức mua không tăng và giá bán hiện vẫn ổn định.
TP Hồ Chí Minh: Giá tăng không đáng kể
Khảo sát của phóng viên sáng 15/1 tại các chợ truyền thống như Tân Định (quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (Phú Nhuận), bà Hoa (Tân Bình)… giá cả nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ các ngày Tết truyền thống đang có xu hướng nhích lên. Theo nhiều tiểu thương cho biết, giá tăng nhưng không đáng kể và chỉ chủ yếu ở các nhóm hàng ưa thích của các gia đình phục vụ cho 3 ngày Tết như: Thịt gia súc, gà, thủy sản, rau củ quả… Cụ thể, giá thịt bò bán lẻ từ 190.000 đồng/kg hiện lên 200.000 đồng/kg; xương giò heo tăng khoảng gần 5% lên hơn 100.000 đồng/ kg; tôm sú tăng thêm 20.000 đồng/kg có giá khoảng 140.000 – 150.000 đồng/kg; những loại rau quả có thể để dành ăn dần trong những ngày tết như cà chua, dưa leo, bông cải… tăng thêm trung bình 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Ngoài nhóm thực phẩm tươi sống, nhiều loại thực phẩm khô như mực, tôm, bia… phục vụ nhu cầu “lai rai” của các “thượng đế” trong dịp Tết, do nhu cầu cao đang tăng nhiệt từng ngày. Tại Trung tâm mua sắm chợ An Đông (quận 5), chợ Bến Thành (quận 1)… các địa điểm ưa thích mua sắm các mặt hàng khô của người tiêu dùng, giá nhiều mặt hàng đã tăng từ 20-30% so với ngày thường. Hiện giá tôm khô loại I đang dao động ở mức từ 900.000 – 1,2 triệu đồng/kg, khô cá sặc trung bình 600.000 – 700.000 đồng/kg, khô mực thấp nhất cũng có giá hơn 410.000 đồng/kg… Giá bia tăng trung bình khoảng 10% so với thời điểm trước đó 1 tháng. Nhưng, giá bia rượu năm nay không tăng nhiều như các năm trước.
Không khí mua sắm hàng Tết đặc biệt sôi động tại các siêu thị. Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm… trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, người mua đang “ùn ùn” kéo đến mua sắm. Các siêu thị hút khách bởi hàng hóa phong phú, giá bán lại ổn định. Đại diện các siêu thị cho biết, dự kiến năm nay sức mua tại doanh nghiệp sẽ tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại và dự kiến đến những ngày cận tết, giá cả các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân sẽ vẫn bình ổn, thậm chí để kích thích sức mua giá nhiều mặt hàng như lạp xưởng, chả giò, mứt… còn giảm so với thời gian trước khoảng 5 - 10%. Khảo sát cho thấy, nhiều mặt hàng đang “hot” bên ngoài thị trường như bia, đồ khô, thịt gia súc, gia cầm… giá cả trong siêu thị vẫn ổn định và không có sự biến đổi. Cụ thể, bia Heiniken vẫn giữ nguyên giá 362.000 đồng/thùng, bia 333 có giá 195.000 đồng/thùng, Pepsi 161.000 đồng/thùng, khô mực 499.900 đồng/ kg, thịt ba chỉ khoảng 75.000 đồng/ kg…
Bài và ảnh: Thu Hường - Lê Nghĩa