Dự án đường ven sông Cái (TP.Biên Hòa). Ảnh:baodongnai.com.vn |
Cụ thể, dự án đường ven sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai, chảy qua thành phố Biên Hoà), đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) từ năm 2017 với tổng vốn hơn 3.600 tỷ đồng. Sau đó, có vài doanh nghiệp đến tìm hiểu, nhưng sau đó các doanh nghiệp này đều không quan tâm nữa. Hiện ngành chức năng Đồng Nai đang kêu gọi nhà đầu tư khác.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, kết nối giao thông giữa thành phố Biên Hoà và khu vực xung quanh, nhiều năm trước, Đồng Nai có chủ trương xây dựng đường liên phường Trảng Dài – Tân Hiệp với chiều dài khoảng 3,6km, kinh phí gần 920 tỷ đồng. Trong năm 2016 và 2017, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai đã có các văn bản, quyết định chủ trương đầu tư tuyến đường này, tuy nhiên đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ. Dự án bao giờ sẽ triển khai vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có chiều dài gần 9km (trong đó có 6,3km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai), vận tốc thiết kế 80km/h, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp thực hiện bằng nguồn vốn ODA và đối ứng. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành cắm cọc giải phóng mặt bằng, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đang xem xét các tài liệu để thương thảo, ký hiệp định vay.
Theo dự kiến, cuối năm 2018, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công, nhưng đến nay, tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang diễn ra rất chậm; ngành chức năng Đồng Nai mới chỉ kiểm đếm hiện trạng được khoảng 450 hộ, gần 80 hộ có tài sản phát sinh trên đất người khác chưa được kiểm đếm. Hơn 100 hộ phải di dời, song, việc xây dựng khu tái định cư vẫn chỉ là chủ trương, dân chưa biết sẽ di dời đến đâu. Với tiến độ bồi thường, tái định cư như trên, nhiều khả năng, Đồng Nai không kịp bàn giao mặt bằng để xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai có chiều dài gần 58 km (đoạn qua Đồng Nai dài hơn 27km) với tổng vốn đầu tư 31.320 tỷ đồng. Tháng 11/2017, chủ đầu tư đã khởi công 3 gói thầu A5, A6, A7 (thuộc cao tốc) đều đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, việc bàn giao mặt bằng phục vụ thi công gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, hai gói thầu A6 và A7 vẫn chưa nhận hết mặt bằng.
Ngoài các dự án trên, ở Đồng Nai còn có hàng loạt công trình trọng điểm khác đang rơi vào cảnh thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng như: Đường vào Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom), đường 319 nối dài lên cao tốc Long Thành – Dầu Giây (huyện Nhơn Trạch), đường kết nối vào Cảng Phước An.
UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, đa số dự án trọng điểm ở Đồng Nai (do tỉnh thực hiện) được thực hiện theo hình thức BT; khó khăn lớn nhất là thiếu vốn và chậm giải phóng mặt bằng. Để giải bài toán này, cơ quan chức năng đang làm hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ để có quỹ đất, tạo nguồn vốn đầu tư. Với vấn đề giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã đưa ra đề án chuyển trung tâm phát triển quỹ đất về các huyện, thị để phối hợp với địa phương đẩy nhanh quá trình đền bù, tái định cư.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, các địa phương phải tính toán trước số hộ cần tái định cư đối với từng dự án. Bởi tái định cư là vấn đề bức thiết, có nơi ở mới dân mới có thể chuyển đi, nhường đất cho dự án. Khi xây dựng nơi tái định cư, chính quyền địa phương cần khảo sát ý kiến của người dân, tránh tình trạng dân không chuyển đến ở.