Hàng Việt vào các chợ truyền thống - chậm mà chắc

Với lợi thế am hiểu thị trường, thói quen mua sắm của người dân, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp hàng hóa Việt từng bước giành lại thị phần trong chính các chợ truyền thống.

 

Gian nan đường vào chợ


Nằm trên trục đường giao thông sầm uất nhất nhì quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, chợ Bà Chiểu những ngày cuối tháng 6/2012 tấp nập và náo nhiệt hơn thường nhật. Tiếp nối thành công từ những lần “xuất quân” trước của chương trình Tiếp sức hàng Việt do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, lần này, mười doanh nghiệp (DN) đã đăng ký tham gia “Ngày vàng hàng Việt”.

 

Sức hút của hàng Việt tại các chợ truyền thống rất lớn, điều quan trọng là doanh nghiệp phải làm sao duy trì được sức hút đó.

Hàng chục gian hàng bày bán các mặt hàng thực phẩm, gia dụng, quần áo thời trang… kèm theo hoạt động tiếp thị rầm rộ đã thu hút đông đảo người tiêu dùng. Đang loay hoay chọn cho mình một sản phẩm vừa ý, chị Hằng nhà ở đường Nơ Trang Long hớn hở: “Em không nghĩ hàng Việt Nam của mình lại nhiều mẫu mã, giá phải chăng mà chất lượng tốt đến như vậy. Từ trước đến giờ nếu có tiền một chút em thường chọn mua đồ gia dụng, thực phẩm của Thái Lan vì chất lượng khá tốt, còn nếu ít tiền hơn thì mua hàng Trung Quốc. Nhưng theo em thấy, hàng trong nước mình dung hòa được hai yếu tố trên”.


Các DN như: Bidrico, Sunhouse… cho hay, mục đích tham gia “Ngày vàng hàng Việt” là để quảng bá thương hiệu, cọ xát, lắng nghe những phản hồi từ khách hàng đồng thời hỗ trợ tiểu thương trong việc bán hàng nhằm gia tăng độ phủ sản phẩm. Bên cạnh những chương trình hỗ trợ về giá, nhiều DN đã mạnh dạn áp dụng các chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng quà, trò chơi trúng thưởng… để đẩy mạnh sức mua. Theo bà Trần Thị Nhiều - Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Chiểu, hàng Việt hiện chiếm đến 95% hàng tiêu dùng và 80% nhóm hàng quần áo, bánh kẹo, đồ hộp, mỹ phẩm… Tuy nhiên, hầu hết DN vẫn chưa có kế hoạch tiếp thị, chăm sóc khách hàng một cách bài bản tại khu vực này. “Khách hàng có rất ít thông tin trực tiếp về sản phẩm chất lượng, những ưu đãi của hàng hóa trong nước và đa số họ chỉ biết qua báo, đài. Tôi có cảm giác thời gian dài, DN Việt đã bỏ quên kênh phân phối này”, bà Nhiều nói thêm.


Chiếm đến 70% nhu cầu mua sắm của người dân, chợ truyền thống hiện tại và trong tương lai gần được đánh giá sẽ vẫn là kênh mua sắm chủ yếu của đại bộ phận người dân, đặc biệt ở các nhóm hàng gia dụng, nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, thực tế tỉ lệ hàng Việt Nam tại đây còn rất hạn chế khi nhiều mặt hàng phổ biến như: thực phẩm, gia vị… thương hiệu nước ngoài chiếm 80-90%. Theo ngành chức năng, nguyên nhân là các DN Việt Nam vẫn chưa quan tâm xây dựng mối liên kết chặt chẽ với tiểu thương, nhà quản lý… trong việc tạo dựng kênh phân phối hiệu quả, bền vững cũng như tiếp thị hình ảnh hàng Việt sâu sát, phổ quát đến người tiêu dùng. “Thật sự tiểu thương tại không ít chợ truyền thống vẫn chưa quan tâm đến cách trình bày hàng hóa sao cho bắt mắt, vấn nạn nói thách rồi không quan tâm đến chăm sóc khách hàng, bán hàng không rõ nguồn gốc, bội tín… đã góp phần làm cho người tiêu dùng chưa mặn mà khi mua sắm tại chợ nói chung và tiếp cận hàng Việt nói riêng. Điều này cũng gián tiếp gây không ít khó khăn cho DN chúng tôi quảng bá sản phẩm đến khách hàng”, bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến thủy hải sản Liên Thành phân tích.

 

Gia tăng “độ phủ”


Do kinh tế khó khăn, sức mua trong nước kém, lượng hàng tồn kho nhiều… nên điều hầu hết các DN quan tâm là tăng cường biện pháp kích cầu nhằm gia tăng sức mua quay vòng vốn. Trong bối cảnh xuất khẩu đình trệ, không ít DN đã chọn thị trường nội địa như kênh thay thế. Nếu như trước đây, siêu thị là địa chỉ tin cậy để DN “giao phó” hàng hóa, thì hiện các chợ truyền thống đang được nhiều DN ưu tiên nhắm tới, chú trọng “chọn mặt gửi vàng” và bước đầu được các DN đánh giá, là thị trường tiềm năng lớn cho hàng hóa trong nước. Tại TP Hồ Chí Minh, ngay từ những tháng đầu năm 2012, BSA đã tăng cường những đợt “ra quân” bằng chương trình “Ngày vàng hàng Việt” giúp DN tiếp cận những chợ trọng điểm trên địa bàn như: Bình Chánh, Cầu Xáng, Tam Bình, Vĩnh Lộc, Bà Chiểu, Thị Nghè…. Qua chương trình, “độ phủ” của hàng Việt sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực, tạo thêm cơ hội tiếp cận hàng Việt cho người tiêu dùng; đồng thời hình thành thói quen ưu tiên buôn bán hàng nội địa trong đại bộ phận tiểu thương.


Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA: Việc đưa hàng vào chợ truyền thống, theo tôi, các nhà kinh doanh cần phải tính toán nghiêm túc, có chiến lược, có lộ trình, chứ không thể ngày một ngày hai. Muốn được như vậy, DN cần phải có chính sách, đội ngũ chuyên tâm thực hiện và bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết thực hiện. Dưới góc độ đơn vị cùng kết hợp tổ chức chương trình đưa hàng Việt vào các chợ truyền thồng, điều chúng tôi làm được là đã tạo điều kiện giúp DN tiếp cận gần hơn với thị trường, nghe ngóng những điều thực tế từ chính tiểu thương, khách hàng về thực tế sản phẩm của mình. Để đẩy mạnh hơn nữa việc đưa hàng Việt về các chợ theo kế hoạch đề ra, thời gian tới chúng tôi sẽ kiên trì thuyết phục sở công thương của các địa phương quan tâm, tập trung đầu tư toàn diện hơn nữa cho tất cả kênh phân phối, không nên thiên vị bất kỳ đơn vị nào. Tất cả là cho tương lai của DN trong nước nói riêng và sự ổn định bền vững của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Anh Hồ Thanh Hiếu - Phó Giám đốc Công ty TNHH P.N.I: Là DN may mặc, từ lâu chúng tôi đã xác định thị trường chủ yếu của mình là khách hàng trong nước nên chú trọng nhiều biện pháp triển khai. Qua thời gian dài làm công tác thị trường, chúng tôi nhận thấy, DN cần nghiên cứu kỹ xu hướng tiêu dùng của từng khu vực cụ thể, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm hạn chế tổn thất. Ví dụ như ở các chợ vùng xa, nông thôn…, khách hàng thường không chú trọng về thương hiệu như khu vực thành thị mà chỉ quan tâm đến giá cả có phải chăng không khuyến mãi như thế nào... Ngoài ra, muốn được tiểu thương quan tâm “sâu sắc” đến sản phẩm của mình, cũng cần có những “tuyệt chiêu” chăm sóc hoặc lợi ích đi kèm. Từ những thành công ban đầu, hiện DN chúng tôi vẫn đang tăng cường giúp người tiêu dùng nhân diện thương hiệu, quảng bá sản phẩm nhằm mở rộng thị phần tại các chợ truyền thống trên toàn quốc.

Theo số liệu thống kê của BSA, hiện độ phủ hàng hóa của các DN tham gia chương trình đã tăng lên từ 20-50% so với thời gian trước. Cụ thể, Bidrico đã mở thêm 6 điểm bán hàng mới tại chợ Bình Chánh và 4 điểm mới tại chợ Thủ Đức. Riêng tại chợ Thị Nghè, Bidrico đã đưa được sản phẩm vào 5/16 sạp có kinh doanh nước giải khát… Tương tự, sau khi DN tham gia chương trình, sản phẩm của Trung Nguyên tại các chợ Bình Chánh, Thủ Đức, Cầu Xáng… đã nâng lên đến gần 95% và không chỉ tăng số lượng tại các sạp chợ mà những khu vực lân cận cũng phát triển thêm 200 điểm bán hàng…


“Hiện trên giấy tờ có 10 DN đăng ký tham gia. Trên thực tế, số DN dù không đăng ký nhưng biết sự hiệu quả của chương trình nên tự vận động tìm hiểu tiềm năng của các chợ là rất lớn. Bên cạnh đó là số DN sau khi tham gia, tự tách ra chủ động tìm cho mình một lối đi khai thác sức mua cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều trong chiến dịch tiếp thị của DN”, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho hay.

 

Thay đổi để phát triển


Kinh nghiệm của các DN có nhiều năm làm trong lĩnh vực phân phối cho thấy, với số vốn hạn chế, các nhà kinh doanh nên chú trọng việc hàng hóa tới đâu, kênh phân phối được tạo tới đó, đừng quên chợ truyền thống cũng là một kênh phân phối quan trọng và đẩy mạnh công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu. Bản thân DN trong nước do năng lực tài chính eo hẹp, dù sản phẩm không thua kém đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn khó tiếp cận người tiêu dùng. Một trong nhiều nguyên nhân quan trọng là khâu tiếp thị, quảng bá chưa hiệu quả. Trong bối cảnh đó, các DN cần chú ý chọn những kênh quảng bá ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao. Theo bà Hạnh, thông qua việc hỗ trợ cho DN biết cách tổ chức hệ thống phân phối, BSA đang nỗ lực xây dựng những chương trình quảng bá hàng hóa với chi phí tiết kiệm tối đa mà vẫn đạt hiệu quả. Theo đó, muốn được kết quả như mong muốn, DN cần nhanh chóng thay đổi cấu trúc, phương thức phân phối hàng hóa cũng như chủ động xây dựng cho mình lộ trình tiếp thị sản phẩm một cách phù hợp.


Ở một góc độ cụ thể hơn, hiện tại công tác tiếp thị của nhiều DN ít được coi trọng và thường do bộ phận bán hàng đảm trách. Do không chuyên nghiệp, hình ảnh thương hiệu của DN chưa đến được với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất. Trưng bày sản phẩm tại chính những sạp hàng của tiểu thương được xem như giải pháp tiết kiệm chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên thời gian dài, nhiều DN vẫn còn xem nhẹ. “Trong khi hàng hóa vẫn chưa quen thuộc, cũng như chưa xây dựng được độ tin cậy với khách hàng, DN nên tăng cường các chương trình nói chuyện trực tiếp, cho dùng thử và nhận biết về sản phẩm, cung cấp kiến thức về sản phẩm... Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, theo tôi là các DN cần phải năng động, nghiên cứu thị trường bài bản, tự chọn cho mình một phương thức tiếp cận hiệu quả hơn mới mong thành công trong “cuộc chiến” chiếm thế thượng phong trong lòng người tiêu dùng Việt”, bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến thủy hải sản Liên Thành nói thêm.


Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN