Hội thảo Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành Trung ương, địa phương hai nước Việt Nam - Lào, các cơ quan ngoại giao, đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các đại biểu tập trung đề cập cơ sở lý luận và thực tiễn, tính khả thi và hiệu quả của việc hình thành khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung; chính sách, cơ chế, giải pháp xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Lào. Đồng thời, nêu lên các giải pháp huy động nguồn vốn, tập trung đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và khu công nghiệp, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.
Đề án xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan được thiết kế với kết cấu 3 phần chính gồm: Giới thiệu tiềm năng, dư địa và cơ sở pháp lý để xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan; so sánh những chính sách hiện hành giữa Việt Nam và Lào, để đề ra chủ trương chính sách vượt trội như: Quy trình thủ tục thu hút đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách cho người lao động và chính sách khu phi thuế quan. Cùng đó, phối hợp để ban hành một Hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, đồng bộ và tương thích với pháp luật; trong đó có những chính sách vượt quy định của pháp luật thì phải báo cáo với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội của hai nước cho ý kiến trước khi Hiệp định ban hành.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, dự thảo Đề án dự kiến xây dựng mô hình “hai nước một khu kinh tế”; có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Trên cơ sở tuân thủ yêu cầu pháp lý của cả hai bên và thông lệ quốc tế, Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan thống nhất trong một quy hoạch khu vực chung, tổ chức và vận hành chung, xây dựng hạ tầng chung trong khu trung tâm, cơ sở hạ tầng kết nối trong và ngoài khu trung tâm; tạo thuận lợi cho kết nối vận tải, logistics xuyên biên giới; thiết lập và triển khai cơ chế “ba trong một”.
Đó là đồng chính sách, đồng quy tắc, đồng tiêu chuẩn và “một chung” là chung một khu; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại hai nước. Các cơ chế chính sách đặc biệt mới, hấp dẫn về đầu tư, giải pháp “phi thuế quan” của hai nhà nước Việt Nam - Lào sẽ khắc phục những rào cản, tạo thuận lợi về lao động, thủ tục đầu tư, vay vốn cho các dự án, thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng và phát triển Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan có ý nghĩa chiến lược trong thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam - Lào. Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Lào và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho cả hai nước.
Xây dựng và phát triển của Khu Kinh tế thương mại này trở thành nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong bối cảnh tình hình hợp tác, kết nối vùng và kết nối khu vực.
Ông Nguyễn Quốc Trường nêu lên một số thuận lợi khi triển khai đề án: Lòng tin chính trị và quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào phát triển tốt đẹp. Việt Nam tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Một số dự án kết nối giao thông chiến lược giữa hai nước đang được tích cực triển khai; tỉnh Quảng Trị và Savannakhet có quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp.
Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có vị trí thuận lợi, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế, hạ tầng giao thông quan trọng của khu vực. Theo đó, thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ như vận tải và logistics, thương mại, du lịch...
Việt Nam và Lào đã xây dựng được những cơ chế, chính sách về quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới tương đối toàn diện, bao gồm quy định về xuất nhập cảnh người và phương tiện; quy định về hàng hóa được mua bán, trao đổi qua biên giới.
Hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bao gồm: hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng giao thông kết nối với cửa khẩu và chợ biên giới, kho hàng, dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới qua cửa khẩu ngày càng được tăng cường.
Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần xây dựng một Chương trình xây dựng và Phát triển Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới mang tính tổng thể; trong đó, bao gồm cả các dự án phát triển các Trung tâm và các tọa độ ưu tiên chiến lược khác, như: Sân bay Quảng Trị, Cảng biển Mỹ Thủy, Đô thị Đông Hà cùng các tuyến giao thông kết nối.
Ngoài ra, Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan cần định hướng tới hình mẫu “Khu thương mại tự do” kiểu mới để xác định các nhiệm vụ cụ thể.
Theo định hướng này, về nội dung cấu trúc, Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung sẽ không đơn thuần chỉ là một Trung tâm giao dịch thương mại được “nâng cấp” hay được hiện đại hóa; mà còn phải bao gồm (được định hướng thành) Trung tâm logistics quốc tế “thế hệ mới”, Khu Công nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn “phát triển xanh” gắn kết với đô thị hiện đại, thông minh và sáng tạo. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, quyết định triển vọng của khu kinh tế biên giới.
Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Savannakhet cũng đã dành thời gian trao đổi với các doanh nghiệp, đại biểu về nội dung dự thảo Hiệp định về thí điểm xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào.
Tỉnh Quảng Trị kỳ vọng ở đề án là xây dựng vùng biên giới Lao Bảo - Densavan trở thành điểm nhấn ở đầu cầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam, là mô hình kiểu mẫu về thương mại xuyên biên giới quốc gia, theo đúng Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng đã diễn ra phiên khảo sát thực địa và hội nghị giới thiệu đề án; tham vấn ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư.