Chạy ổn định hàng tuần
Hàng hóa chủ yếu trên các chuyến tàu chuyên biệt này là hàng dệt may, da giày xuất khẩu, với hành trình các đoàn tàu đến Trịnh Châu (Trung Quốc) và kết nối vào đoàn tàu Trung - Âu để đến điểm đích.
Đại diện Ratraco cho biết, hiện nay, công ty đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng, phối hợp với các đối tác giao nhận, logistics tổ chức ổn định 1 chuyến/tuần đoàn tàu chuyên container chạy thẳng châu Âu. Sau khi đến một ga chuyên lập tàu Trung - Âu tại Trung Quốc như Trịnh Châu, Trùng Khánh..., tàu container sẽ được ghép vào đoàn tàu này để đi tiếp.
Bên cạnh đó, VNR còn tổ chức các chuyến tàu vận chuyển container chạy thẳng châu Âu nhưng không nguyên đoàn. Tàu xuất phát tại ga Yên Viên (Hà Nội), sang đến Trung Quốc, tùy đích đến ở châu Âu, các đoàn tàu container được nối vào các đoàn tàu hàng khác nhau đến các ga tàu Trung - Âu khác nhau đi đến điểm đích theo đơn đặt hàng và nhu cầu của hành khách như: Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức, Bỉ…
Riêng tuyến Việt Nam - Trung Quốc tổ chức chạy hàng ngày. Thời gian vận chuyển các đoàn tàu container xuất phát tại ga Yên Viên, đến ga Almaty (Kazakhstan) sau 12 - 14 ngày, đến ga Moscow (Nga) sau 23 - 25 ngày, đến ga Duisburg (Đức) sau 25 - 26 ngày...
Tính chung, sản lượng hàng xuất đi Nga và châu Âu trong 9 tháng năm 2021 đạt khoảng 1.800 TEU, với nhiều mặt hàng hàng điện tử từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên; hàng da giầy, dệt may từ miền Trung, miền Nam.
Mở ra trục vận tải mới
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Ratraco, về hạ tầng, đường sắt Việt Nam hiện đã kết nối với đường sắt Trung Quốc qua 2 cửa khẩu chính là ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng và ga Liên vận quốc tế Lào Cai. Ga Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) là ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, được nối với ga Bằng Tường (tuyến Hành Dương - Bằng Tường), kết nối với Trung Quốc tại khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây.
Thông qua cửa khẩu này, hàng hóa từ Việt Nam có thể vận chuyển bằng đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc, quá cảnh Trung Quốc đến các nước Trung Á, Tây Á, Châu Âu và ngược lại.
Tại cửa khẩu ga Lào Cai, đường sắt Việt Nam kết nối ray với đường sắt khổ 1.000mm Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - ga Sơn Yêu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Thông qua cửa khẩu này, hàng trên tàu khổ 1.000mm từ Việt Nam vào trong nội địa Trung Quốc có thể sang toa trên tàu khổ 1.435mm tại ga Hà Khẩu Bắc để hòa mạng đường sắt Trung Quốc đi các tỉnh khác của Trung Quốc hoặc tiếp chuyển tàu tốc hành Trung - Âu (China-Europe Express) để đi Châu Âu.
Qua tìm hiểu, hiện từ Trung Quốc sang châu Âu có 5 tuyến vận tải chính. Trong đó, từ Trùng Khánh đến một trung tâm trung chuyển hàng hóa ở Đức, từ Thành Đô sẽ đến một trung tâm trung chuyển ở Ba Lan, từ Hạ Môn sẽ đến một trung tâm trung chuyển ở Hà Lan…
Với tuyến đường sắt container, đang mở ra cho ngành Đường sắt Việt Nam trục vận tải mới chuyên tuyến, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp dọc tuyến vận chuyển bằng đường sắt, vì phía Trung Quốc có cơ chế giá linh hoạt để thu hút nhiều mặt hàng vận chuyển. Trong khi, tại các đích đến Trung Á, Tây Á, châu Âu, đường sắt tồn tại nhờ hàng quá cảnh, đang tạo ra các chính sách giá cước ưu đãi. Đây sẽ là cơ hội vận chuyển cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu với chi phí, thời gian vận chuyển hợp lý.
“Trong tháng 9/2021, Ratraco đã phối hợp với Công ty NLS (Trung Quốc) tổ chức các đoàn tàu chuyên container Hà Nội - Trùng Khánh. Đoàn tàu khai trương với thành phần 23 container chuyên chở hàng hóa là máy móc, thiết bị văn phòng, hàng dệt may, tổng giá trị khoảng 2,26 triệu USD. Theo lịch trình, tàu sẽ đến Trùng Khánh trong 5 ngày. Sau khi đến Trùng Khánh, lô hàng sẽ được tiếp chuyển và kết nối vào đoàn tàu chuyên container Á - Âu để vận chuyển đến trung tâm châu Âu. Sau chuyến tàu này, hai bên tiếp tục đẩy mạnh khai thác hàng hóa để vận chuyển theo các đoàn tàu chuyên container xuất phát thứ tư, chủ nhật hàng tuần sang Trung Quốc", đại diện Ratraco thông tin.