Nhằm chủ động “đầu ra” và lợi nhuận, thời gian qua, nông dân An Giang đã tích cực liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo với doanh nghiệp, qua đó tạo thu nhập ổn định và ngày càng cao cho người dân, đáp ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường cho doanh nghiệp.
Thay đổi phương thức sản xuất
Ba năm gần đây, gia đình ông Đoàn Văn Thu ở xã Bình Long, huyện Châu Phú đã chuyển hơn 4 ha đất trồng qua liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Lúa sau khi thu hoạch được Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 50 – 100 đồng/kg. Giờ đây, ông Thu và nhiều nông dân khác trong xã không còn bị ám ảnh bởi điệp khúc “được mùa, mất giá” vì đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và cam kết về lợi nhuận ngay khi chưa xuống giống.
Ông Thu cho biết, khi liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp, công ty, người nông dân có nhiều cái lợi như được đội ngũ kỹ thuật viên từ phía công ty liên kết hỗ trợ, thường xuyên cùng thăm đồng, phát hiện sâu bệnh kịp thời và hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp xử lý hiệu quả, nhờ đó chi phí sản xuất được tiết giảm từ 5-10% và năng suất, chất lượng hạt lúa vẫn đạt cao, ổn định.
“Khi liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp, nhà nông phải canh tác đúng theo các khuyến cáo của doanh nghiệp đưa ra nhằm đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Bù lại, doanh nghiệp cam kết về lợi nhuận, đảm bảo nông dân luôn có lãi”, ông Thu chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Tấn Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú, vụ sản xuất Thu Đông năm 2021, huyện có gần 1.600 ha đất của hơn 1.000 hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp. Tham gia mô hình liên kết này, người dân được doanh nghiệp cung cấp lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đầu vào... đến cuối vụ mới phải thanh toán tiền.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú đánh giá, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần thay đổi phương thức, thói quen sản xuất cũ, giúp người nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến. Thông qua đó, từng bước xây dựng các vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Đa dạng liên kết, tiêu thụ sản phẩm
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, những năm gần đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Trịnh Văn Phú đã liên kết với nông dân xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) sản xuất lúa gạo hữu cơ, theo quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Hiện nay, quy mô mỗi vùng nguyên liệu khoảng 50 ha.
Ông Lâm Thành Kiệt, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Trịnh Văn Phú cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã bao tiêu cho bà con nông dân khoảng 50 nghìn tấn lúa. Riêng vụ Thu Đông này, doanh nghiệp tiếp tục liên kết với người dân để sản xuất lúa Nhật.
Đặc biệt, năm 2021, hai sản phẩm “gạo 7 núi ST 24 plus” và “gạo 7 núi dinh dưỡng ST 25* 17 acid amin” của công ty đã đạt sản phẩm OCOP 2 sao cấp huyện.
Theo ông Lâm Thành Kiệt, hiện nay, các sản phẩm gạo hữu cơ mang thương hiệu “gạo 7 Núi” không chỉ được các thị trường trong nước ưa chuộng mà con xuất khẩu sang các thị trường như: Australia, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh An Giang đã có nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong mời gọi đầu tư vào nông nghiệp. Nhất là, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết theo mô hình “cánh đồng lớn”, "cánh đồng liên kết" trong sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo gắn với các doanh nghiệp.
Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa, gạo với nông dân tiêu biểu, như: Lộc Trời, Tấn Vương, Angimex, Antesco….
Riêng vụ Đông Xuân 2021-2022, tỉnh An Giang dự xuống giống với tổng diện tích 230.859 ha. Dù dịch COVID-19 bùng phát, nhưng đã có 15 doanh nghiệp đăng ký liên kết tiêu thụ với tổng diện tích liên kết 115.100 ha, chiếm gần 50% diện tích dự kiến xuống giống. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời dự kiến liên kết 105.000 ha, chiếm 91,22% tổng diện tích liên kết theo kế hoạch đăng ký của các doanh nghiệp, chiếm 45,48% diện tích dự kiến xuống giống của cả vụ Đông Xuân 2021-2022.
Đối với diện tích còn lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đang phối hợp với các địa phương tăng cường kết nối thông tin doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa, nếp, giúp tiêu thụ hết sản lượng được thu hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư khẳng định, thời gian tới, lúa gạo và cá tra vẫn là 2 mặt hàng chiến lược của tỉnh, tiếp tục đóng góp rất lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh An Giang. Riêng với sản lượng lúa đạt khoảng 4 triệu tấn/năm; trong đó, 70% diện tích trồng lúa chất lượng cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, những năm gần đây, An Giang đã làm khá tốt ở khâu liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã thông qua việc ký kết các hợp đồng để đưa nông sản ra thị trường. Tuy nhiên, mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” vẫn khó nhân rộng.
Nguyên nhân do sản xuất lúa tại nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ và nông dân chưa gắn kết chặt với nhau và thiếu sự chủ động trong tìm kiếm các đối tác và doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ đầu ra…
“Canh tác lúa hiện nay, không có con đường nào khác hơn là phải sản xuất theo kiểu kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Ở đó, người nông dân “hùn” đất đai với doanh nghiệp để tạo ra các cánh đồng lớn, các hợp tác xã sẽ hình thành từ cánh đồng lớn này. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho người nông dân từ việc xuống giống cho đến quá trình canh tác, cơ giới hóa hết và đồng thời bao tiêu sản phẩm.
Nhờ vậy, nông nghiệp mới phát triển bền vững được, người dân không còn sản xuất nhỏ lẻ cũng như không phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá” mà còn tạo là phải có thị trường ổn định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư phân tích.
Song song đó, các địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn, truy xuất được nguồn gốc… hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.