Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất
Nhiều hộ trồng nho ở Ninh Thuận đang mạnh dạn chuyển dần từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết với doanh nghiệp. Mô hình trồng nho của hộ ông Nguyễn Diệp (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) là một điển hình về cách làm mới này.
Ông Nguyễn Diệp cho hay, giống nho Syrah thể hiện nhiều ưu điểm như cây có khả năng chống chịu cao với các đối tượng bệnh hại, thời tiết khô nóng. Trồng nho rượu không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, tuy nhiên phải tuân thủ kỹ thuật canh tác theo quy trình hướng dẫn để đạt sản lượng và chất lượng quả tốt. Mỗi năm vườn nho rượu Syrah của gia đình cho thu hoạch 3 vụ với năng suất bình quân khoảng 3 tấn/vụ.
Trái nho của gia đình ông được công ty chế biến rượu vang tại Lâm Đồng liên kết thu mua với giá tối thiểu 15.000 đồng/kg, nếu hàm lượng độ brix (độ ngọt quả khi chín, chỉ số quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các loại rượu vang trong quá trình ủ, lên men) càng cao, trên 18% là tốt nhất thì giá có thể tăng lên 1,5 lần và thậm chí cao hơn. Với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, mỗi kg nho rượu còn lãi khoảng 10.000 đồng. Mức giá này giúp gia đình ông Diệp yên tâm sản xuất, không phải lo bài toán đầu ra, tránh được tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều nông hộ cũng đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng các giống nho rượu. Đồng thời nhiều công ty, nhà máy sản xuất, chế biến rượu vang nho hiện đang đầu tư xây dựng vùng nho rượu nguyên liệu và liên kết sản xuất với các hộ trồng nho tại Ninh Thuận với diện tích trên 40 ha, chủ yếu là trồng giống nho Syrah.
Là một trong những hộ có thu nhập khá nhờ mạnh dạn trồng cây măng tây xanh liên kết với hợp tác xã, anh Kiều Ngọc Luy (xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho biết, trước đây gia đình trồng rau màu nhưng đầu ra không ổn định. Sau khi tìm hiểu trên thị trường thấy cây măng tây xanh rất hút hàng, lại phù hợp chất đất pha cát ở địa phương nên anh quyết định chuyển sang trồng giống măng tây của Hà Lan theo tiêu chuẩn VietGAP.
Được hợp tác xã hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, lắp đạt hệ thống tưới nước tiết kiệm...giúp vườn măng tây phát triển xanh tốt. Hiện tại, với 2 sào (2.000 m2) măng tây xanh, mỗi ngày anh Luy thu hoạch khoảng 20kg, sản phẩm được Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thu mua với giá ổn định 50.000 đồng/kg.
Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho hay: Cây măng tây trồng trên vùng đất cát này theo tính toán 1 sào thu hoạch được 10kg, hợp tác xã thu mua măng tây chưa phân loại với giá 50.000 đồng/kg. Theo tính toán, mỗi sào măng tây, bà con thu được 15 triệu đồng/tháng. Măng tây xanh không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa mà đang là cây làm giàu của bà con ở vùng đất cát này.
Để có được hiệu quả kinh tế trên, vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất rất quan trọng. Khi mới thành lập hợp tác xã chỉ có 16 thành viên tham gia sản xuất măng tây, nhờ chủ trương phát triển đúng đắn với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự quyết tâm của từng xã viên. Đến nay, đã có 62 thành viên là đồng bào Chăm trong làng Tuấn Tú tham gia sản xuất cây măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 55 ha, ông Hùng Ky chia sẻ thêm.
Hỗ trợ phát triển
Để gia tăng giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất. Đến tháng 6/2022, toàn tỉnh xây dựng được 31 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống với tổng diện tích trên 4.241 ha. Đồng thời, thực hiện 57 liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất lúa, ngô giống, nho, măng tây, nha đam, tỏi, ớt, hành tím, đậu xanh, chanh dây, kiệu ...; liên kết sản xuất và tiêu thụ điều, mía và liên kết tiêu thụ sắn với tổng diện tích 14.267 ha. Bên cạnh đó, các địa phương hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm cừu, dê, bò với các cơ sở giết mổ.
Theo đánh giá, các mô hình liên kết sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc liên kết sản xuất vẫn còn hạn chế, đó là mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn còn lỏng lẻo, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún gây khó khăn trong việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với quy mô sản xuất và trình độ canh tác khác nhau.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, cá thể, doanh nghiệp phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp với các sản phẩm đặc thù, lợi thế.
Trong đó, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thành lập mới; hỗ trợ, hướng dẫn đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Cùng đó, tăng cường liên kết đưa các cây, con giống mới, năng suất cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để góp phần tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông sản trên thị trường.
Năm 2022 và những năm tiếp theo, Ninh Thuận tập trung xây dựng các vùng trọng điểm sản xuất cây trồng, vật nuôi, cánh đồng lớn theo hướng chuyên canh, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nâng cao quy mô kinh tế trang trại để làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, tỉnh khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất và hình thành chuỗi liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra; kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại.
Đồng thời, Ninh Thuận sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các Bộ, ngành Trung ương trong triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường nội địa và xuất khẩu.