"Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỉ lệ người tiêu dùng tin tưởng và hưởng ứng hàng Việt ngày cao”- Đó là nhận định của ông Lê Bá Trình, Trưởng ban thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (NVNDHVN).
Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ ngày 31/07/2009. Mục tiêu lâu dài là xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Những chuyến bán hàng lưu động toàn hàng hóa Việt thường thu hút khá đông người tới tham quan, mua sắm |
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường định hướng, hiện đã có hơn 70% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt chất lượng cao. Tương tự, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, năm 2011 có đến 90% người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh lựa chọn hàng Việt; Hà Nội là 83%. Trong đó, gần 60% người tiêu dùng hài lòng với hàng Việt.
Tại thị trường của các TP lớn khác trong cả nước hàng Việt đã phủ sóng rộng rãi thông qua các kênh phân phối như tại Saigon Co.op, Big C hàng Việt luôn chiếm 80-90%, Vinatexmart hàng Việt chiếm 100%... Đặc biệt, trong đó ngành hàng thực phẩm với gần 10.000 mặt hàng, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 95% và không có hàng tươi sống nhập khẩu từ Trung Quốc.
Doanh thu hàng Việt năm 2013 trong cả nước ước tính đạt trên 19.000 tỷ đồng, trong đó ngành hàng thực phẩm ước đạt gần 11.000 tỷ đồng.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc SaiGon Co.op cho biết, với chủ trương ưu tiên số một cho hàng Việt cho nên coop có nhiều chính sách ưu đãi dành cho hàng hóa trong nước như chính sách ưu tiên quầy kệ, diện tích trưng bày, hỗ trợ quảng bá kích cầu cho doanh nghiệp Việt một cách thường xuyên.
Không chỉ tại các thành phố lớn, hiện hàng Việt đã đi sâu tới những thị trường nông thôn với nhiều hình thức hội chợ, đưa hàng về nông thôn, bán hàng lưu động... bước đầu góp phần đảm bảo an sinh xã hội rất lớn cho người dân. Đa số hàng hóa Việt đều được bán với giá rất rẻ so với hàng hóa ngoại nhập, hoặc so với các cửa hàng cố định.
“Trong năm 2013, Saigon Co.op tổ chức hơn 1.600 chuyến hàng lưu động với những chủng loại hàng hóa thiết yếu cho đời sống hàng ngày của người dân tại vùng hẻo lánh, các khu công nghiệp- khu chế xuất có nhiều công nhân, khu dân cư thu nhập thấp”- Bà Thu cho biết thêm.
Hàng Việt đã phủ sóng tới các thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu chế xuất- khu công nghiệp... trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. |
Tại buổi hội thảo “Tập huấn tuyên truyền về cuộc vận động NVNDHVN
cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cơ quan thông tấn báo chí tại TP
Hồ chí Minh ngày 26/11, mặc dù có những thông tin khả quan như trên, nhiều đại biểu cho rằng việc phủ sóng hàng Việt vẫn còn nhiều hạn chế, hàng hóa Việt vẫn thiếu tính cạnh tranh về cả mẫu mã, chất lượng so với hàng ngoại....
Ông Lê Bá Trình cũng nhìn nhận, việc phủ sóng hàng Việt tại thị trường nông thôn hiện cũng cần phải có những hướng mang tính bền vững hơn.
Ngoài ra, công tác quản lý thị trường, hải quan, thuế trong đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái… có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập và chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước. Những điều này đang cản trở cho cuộc vận động dùng hàng Việt và bản thân DN khi phải tự đấu tranh với hàng giả, hàng nhái để bảo vệ thương hiệu, uy tín sản phẩm của mình.
Vì vậy, để chiếm lĩnh thị trường nội địa trước sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa nước ngoài khi nước ta mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế. Theo ông Lê Bá Trình, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, chính quyền… cần chung tay, vận động tuyên truyền xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Bởi đây là trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức và cả cộng đồng xã hội..
Đối với Bộ Công thương, để phát huy hiệu quả của cuộc vận động trong thời gian tới, Bộ đưa ra mục tiêu đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và DN biết đến cuộc vận động dùng hàng Việt. Song song đó, ngành tập trung tăng thị phần hàng Việt tại các kênh phân phối truyền thống lên trên 70%, đồng thời giảm 50% hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm so với năm 2012. 90% số xã ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa có cửa hàng bán hàng Việt…
Mặt khác, Bộ cũng sẽ kiến nghị các cơ quan nhà nước cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm khuyến khích, bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết