Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng kè ngăn sạt lở bờ biển được thực hiện tại 4 điểm: kè bảo vệ khu dân cư phường Phước Lộc (La Gi); kè chống sạt lở bờ biển phường Hàm Tiến (thành phố Phan Thiết); kè chống sạt lở bờ biển tại khu phố 12, 13, 14 thị trấn Liên Hương và kết hợp nạo vét cửa biển Liên Hương ( huyện Tuy Phong); kè chống sạt lở bờ biển khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành ( thành phố Phan Thiết).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn được ngân sách Trung ương hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng quy định; chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Một số vị trí sạt lở nặng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là tại các vùng bờ biển huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi. Theo thống kê, địa bàn huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi có tổng chiều dài bờ biển bị xâm thực hơn 15 km, đe dọa trực tiếp nhà cửa, tài sản của hơn 350 hộ dân.
Việc xây dựng kè chống biển xâm thực đã được sự quan tâm rất lớn của Trung ương và của tỉnh. Tuy nhiên, do bờ biển dài, phát sinh nhiều điểm sạt lở mới, việc đầu tư xây dựng tốn kém về kinh phí trong lúc ngân sách có nhiều khó khăn nên phải giải quyết dần từng bước.