Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến việc hư hại công trình khi mới đi vào sử dụng do sự phức tạp của khu vực bãi ngang, diễn biến bất thường của thời tiết; nguyên nhân chủ quan chủ yếu là sự thiếu kinh nghiệm của đơn vị tư vấn thiết kế.
Công trình kè chống xói lở bờ biển Tam Quan, thuộc các xã Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), được UBND huyện Hoài Nhơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, có chiều dài 2.0m.
Công trình do Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng SPQD thiết kế; Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ thủy lợi (thuộc Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thẩm tra; Công ty TNHH Tân Lập (Bình Định) là nhà thầu thi công với tổng mức thi công gần 66,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Phát triển Bình Định là đơn vị giám sát.
Công trình hoàn thành vào tháng 9/2016, đến tháng 12/2016, có 4 đoạn kè đã bị trôi, sập với tổng chiều dài 282m. Đến đầu năm 2018, tổng chiều dài kè bị hư hỏng được phát hiện là 672m.
Để tìm ra nguyên nhân cụ thể, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định phối hợp cùng Viện Kỹ thuật công trình (Trường đại học Thủy lợi) và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá, tìm ra nguyên nhân.
Sau nhiều tháng đánh giá, trên cơ sở đánh giá của Viện Kỹ thuật công trình và báo cáo của các đơn vị, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 7446/UBND-KT, ngày 28/11/2018 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu ký nêu rõ nguyên nhân hư hỏng kè chống xói lở bờ biển Tam Quan.
Nguyên nhân khách quan là do thời tiết diễn biến bất thường vào cuối năm 2016 và cơn bão số 12 năm 2017 gây gió mạnh và sóng lớn đã vượt qua đỉnh kè, tràn vào đường đi, gây xói lở thân kè và đường đi.
Cùng giai đoạn kè Tam Quan bị hư hỏng thì hàng loạt kè biển khác cũng bị hư hỏng do thời tiết và cơn bão số 12, như: Kè biển chống sạt lở thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Trạch, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi); Kè biển Xuân Hải, thị xã Sông Cầu (Phú Yên); Kè biển khu vực bãi biển Cửa Đại, Hội An (Quảng Nam); Kè biển phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận); Kề biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình); Kè biển huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).
Nguyên nhân chủ quan là đơn vị tư vấn thiết kế thiếu kinh nghiệm trong thiết kế các công trình kè đối với bãi ngang, bờ biển biến động mạnh nên chọn phương án tuyến chưa hợp lý; kết cầu chân kè, thân kè chưa đảm bảo chịu lực trực tiếp từ sóng biển; các thông số sóng thiết kế, biện pháp gia cố chân và mái kè tại các vị trí xung yếu chưa được chú trọng, chỉ dẫn biện pháp kỹ thuật thi công không phù hợp…
Đơn vị thẩm tra thiết kế bản vẽ và dự toán thiếu trách nhiệm; nhà thầu thi công tự thay đổi biện pháp thi công (đào hở, đặt ống buy) cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện trường nhưng không trao đổi, bàn bạc với đơn vị thiết kế bằng văn bản; đơn vị giám sát chưa thực hiện hết trách nhiệm.
Ông Trần Chầu đã yêu cầu UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan… để xuất các giải pháp khắc phục hư hỏng tuyến kè chống xói lở bờ biển Tam Quan trước ngày 31/12/2018.
Ngoài những nguyên nhân gây hư hỏng kè nêu trên thì tại văn bản số 244/BC-SNN ngày 6/11/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cũng cho rằng, suất đầu tư trung bình cho mỗi km kè biển thông thường hiện nay từ 50 – 80 tỷ đồng. Đối với những vị trí có bãi ngang biến động mạnh, bờ biển đang bị xói lở như kè Xóm Rớ, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) là 150 tỷ đồng/km. Trong khi đó, Tam Quan là bãi ngang có biến động mạnh, nhưng suất đầu tư chỉ 27 tỷ đồng/km là chưa phù hợp.
Kè Xóm Rớ giai đoạn 1 đã hoàn thành năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, hiện đang thi công giai đoạn 2 và có cùng đơn vị thi công kè Tam Quan.