Hỗ trợ vẫn 'gập ghềnh' đến đối tượng thụ hưởng - Bài 3: Doanh nghiệp than mức giảm nhỏ giọt của lãi suất

Mặc dù nhiều ngân hàng công bố "hy sinh" hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp; phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, sẽ hạn chế tín dụng nếu ngân hàng giảm lãi không thực chất..., nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than thở về mức giảm “nhỏ giọt” của ngân hàng.

Chồng chất khó khăn, doanh nghiệp mong lãi suất giảm mạnh

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNV) thành phố Hà Nội cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị ngân hàng nên giảm lãi vay ở mức cao hơn, từ 3 - 5%/năm cho các DNNV.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: TTXVN.

Trong những ngày qua, trong giới tài chính, nhiều người đều biết câu chuyện một doanh nghiệp thủy sản có văn bản từ chối hưởng chính sách giảm lãi của một ngân hàng thuộc nhóm “Big 4”.

Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel than thở: Công ty của ông đã rơi vào trạng thái “đóng băng” từ lâu nhưng lãi ngân hàng vẫn phải trả đủ hàng tháng. Dù đã liên lạc với ngân hàng để đề nghị giảm lãi các khoản vay hiện hữu song vài tuần trôi qua, ông Huy chưa nhận được phản hồi.

Nhiều DNNV hiện phải vay vốn ngân hàng với lãi suất từ 10,5 - 12,5% năm trong khi nguồn thu không có, chi phí “leo thang”. Mức giảm từ 0,5% đến 1%/năm được nhiều ngân hàng áp dụng từ nay đến hết năm được xem là sự cố gắng của hệ thống ngân hàng nhưng cũng hỗ trợ cũng không được là bao so với khó khăn hiện hữu.

“Các doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ phá sản. Thành phố Nha Trang vắng bóng khách du lịch khiến 95% khách sạn đóng cửa; 5% còn lại hoạt động chủ yếu đăng ký làm cơ sở cách ly. Chúng tôi mong ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu từ 3 - 5%/năm; được tiếp cận nguồn vay mới lãi suất 0%", ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) kiến nghị.

Gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị trực tuyến mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bệnh viện đa khoa Sun medical Việt Nam Lê Minh Long cho biết: Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên có hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể, chết lâm sàng. “Công ty mong Thủ tướng chỉ đạo các cấp hỗ trợ, ngân hàng cho phép các doanh nghiệp được giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất trong suốt thời gian dịch bệnh phải ngừng sản xuất kinh doanh, không bị chuyển thành nợ xấu; được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ về tài chính của Chính phủ để có thể giữ chân người lao động và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi kiểm soát được dịch”, ông Lê Minh Long cho biết.

Cần khẩn trương tháo gỡ, mở rộng chính sách hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C, doanh nghiệp vừa được VietinBank và BIDV giảm lãi vay lần lượt 0,5 và 0,7%/năm. Như vậy, tiền lãi hằng tháng được giảm gần 30 triệu đồng, rất có ý nghĩa trong bối cảnh này. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang thực hiện mô hình "3 tại chỗ" với nhiều chi phí phát sinh, công suất sản xuất chỉ đạt 50%. Chưa kể, chi phí vận chuyển tăng trong bối cảnh giãn cách, giá bán dám không tăng nên doanh nghiệp không có lãi. "Chúng tôi cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ như: Giảm tiền điện sản xuất, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 6 - 12 tháng để có dòng tiền làm vốn lưu động bởi công nợ đang rất nhiều", ông Thứ cho biết.

Liên quan đến gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố (TP) Hồ Chí Minh cho biết: Các doanh nghiệp mong các gói hỗ trợ cần đi vào thực chất hơn. “Các doanh nghiệp đang rất khó khăn, chúng ta không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà cần có giải pháp thực thi ngay. Các đối tượng thụ hưởng chính sách mới cần được xem xét công bằng hơn; điều kiện, thủ tục để hưởng các gói hỗ trợ cần được nới lỏng hơn”, ông Chu Tiến Dũng khẩn khoản. Doanh nghiệp có thế chấp bằng tài sản bảo đảm với lãi suất thấp từ 3 - 4%/năm, thời gian vay 2 - 3 năm.

"Gói này có thể giao cho một vài ngân hàng triển khai, ưu tiên doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, góp phần giải cứu ngành du lịch. Có thể yêu cầu doanh nghiệp được vay vốn chuyển dòng tiền hoạt động về tài khoản ngân hàng cho vay. Như vậy, ngân hàng sẽ nắm rõ năng lực tài chính, việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần giảm thuế suất thuế GTGT về 5%; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 1 năm…", Giám đốc Công ty Kiwi Travel kiến nghị.

Đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của ngành lương thực thực phẩm tăng từ 10 - 30% trong khi sức mua của thị trường yếu. "Rất mong ngân hàng bổ sung các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ chính sách về miễn, giảm lãi suất cho vay ", đại diện Hội Lương thực thực phẩm đề xuất.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, sắp tới NHNN sẽ ngồi lại với các hiệp hội, hội ngành nghề để bàn cách tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp cụ thể. Ngành Ngân hàng sẽ kiến nghị cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn chi trả lương và bảo hiểm xã hội (BHXH). Ngân hàng đang xem xét miễn giảm tiền vay cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch. Mức lãi vay ưu tiên đối với doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ là 4,5%, thấp nhất trong khu vực ASEAN, tương đương lãi vay ngoại tệ.

Để giảm bớt gánh nặng tài chính, các doanh nghiệp đều mong mỏi ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ… Tuy nhiên, để hỗ trợ được nhiều hơn cho doanh nghiệp, các ngân hàng kiến nghị cần sớm sửa Thông tư 03 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

“Hiệp hội Ngân hàng đã có báo cáo về những vướng mắc, bất cập của các ngân hàng trong việc thực hiện Thông tư 03 và đề xuất giải quyết theo hướng nới rộng và làm rõ hơn các quy định tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó do COVID-19. Phía NHNN đang khẩn trương xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 01 và Thông tư số 03 để sớm ban hành trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, NHNN đang xem xét điều chỉnh nhiều quy định như: Mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đối với cả các khoản nợ phát sinh từ sau ngày 10/6/2020 cho đến một thời điểm phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trên cơ sở đánh giá tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.

Các Thông tư trước đây được ban hành trong bối cảnh khác hiện nay. Ví dụ, Thông tư 03 được ban hành khi dịch COVID-19 được dự báo sẽ qua trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp dần trở lại hoạt động bình thường nhưng đến nay, tình hình không như vậy. Hiện, đặt trường hợp nhanh nhất các địa phương dỡ bỏ giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau tháng 8/2021, thì đến hết năm, các doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại được.

Tuy nhiên, khi xây dựng chính sách, lãnh đạo NHNN cho rằng: Phải tính toán bảo đảm hài hoà, giải quyết nhiều câu hỏi đặt ra: Giãn, hoãn thế nào, kéo dài bao lâu, thời điểm nào, trích lập dự phòng rủi ro thế nào? Đây là bài toán không đơn giản, phải đáp ứng “thước đo kép”, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải bảo đảm không để lại hậu quả. Nếu cơ cấu không hợp lý, không phản ánh khách quan nền kinh tế, nợ xấu cao thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, dự phòng rủi ro trong tương lai.

Bài cuối: Để các chương trình đi vào thực chất

Chú thích ảnh
Nhóm phóng viên
Hỗ trợ vẫn 'gập ghềnh' đến đối tượng thụ hưởng - Bài 2: Vẫn khó tiếp cận 'miếng bánh' ưu đãi
Hỗ trợ vẫn 'gập ghềnh' đến đối tượng thụ hưởng - Bài 2: Vẫn khó tiếp cận 'miếng bánh' ưu đãi

Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân dù rất được ngóng chờ, nhưng con đường triển khai vẫn gập ghềnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN