Ông Phạm Thế Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển môi trường Ngọc Xanh cho biết, cây Paulownia có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 4 năm đã cho thu hoạch, khai thác cây làm nguyên liệu giấy và làm các dụng cụ gia dụng. Giống cây này đem lại giá trị kinh tế cao bởi cây cho sản lượng gỗ lớn.
So với cây keo thì cùng thời điểm 7 - 10 năm, cây keo chỉ đạt đường kính từ 25 - 40 cm nhưng cây Paulownia sẽ đạt 65 cm đến 1m và có thể dùng để sản xuất làm đồ gia dụng, đóng tàu thuyền, nội thất máy bay…
Giá gỗ Paulownia dao động khoảng 1,5 triệu đồng/m3 và hơn 400 triệu đồng/ha cho một chu kỳ thu hoạch. Từ đó sẽ góp phần tạo sinh kế từ rừng cho người dân trồng rừng, giúp xóa đói, giảm nghèo…
Đặc biệt, giống cây này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phủ xanh đồi trọc, hạn chế được tác hại do lũ lụt. Đây là loại cây gỗ cứng, nhẹ, không cong vênh, nứt nẻ và có khả năng chịu nhiệt ở mức cao nên hạn chế tình trạng cháy rừng.
Ngoài ra, lá và hoa còn có khả năng được dùng làm thức ăn cho gia súc, tăng độ phì nhiêu cho đất. Vì vậy, loài cây này còn được trồng xen kẽ với các loại hoa màu khác như: cây chè, đậu, ngô, đinh lăng; hoa của cây chứa nhiều mật, có thể phát triển nghề nuôi ong.
Bà Nguyễn Thị Lợi, cố vấn Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển môi trường Ngọc Xanh chia sẻ, công ty trồng cây tại địa bàn xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) làm mô hình thí điểm cho địa phương với diện tích gần 3 ha. Tới đây, công ty sẽ trồng tiếp trên 30 ha tại huyện Lạc Thủy và gần 100 ha trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình.
Công ty hy vọng loài cây Paulownia có thể góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sống của con người, tạo màu xanh cho đất nước, đóng góp cho “lá phổi Việt Nam xanh, sạch”. Trong tương lai không xa, cây Paulownia có thể sẽ là loài cây mũi nhọn kinh tế, giảm nghèo cho người dân địa phương nơi đây.