Tại buổi họp báo thường kì tháng 7 của Bộ Công Thương chiều 4/8, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, việc hóa đơn tiền điện tháng 7 tại Hà Nội giảm mạnh so với tháng 6 là do thời tiết mát hơn và điều này là bình thường.Ông Đinh Thế Phúc tại cuộc họp báo. |
Theo ông Đinh Thế Phúc, yếu tố thời tiết tháng 7 mát mẻ hơn nhiều so với tháng 6 khiến nhu cầu tiêu thụ điện của các hộ gia đình giảm là nguyên nhân chính. Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa khiến hóa đơn tiền điện tháng 7 của nhiều hộ gia đình giảm mạnh, theo ông Phúc, do chốt số tiền điện giữa tháng 6 và tháng 7 có chênh nhau 1 ngày. Cụ thể, tháng 6 có 31 ngày, còn tháng 7 có 30 ngày. Do đó, đây cũng là nguyên nhân khiến chênh lệnh mức tiền sử dụng giữa hai tháng rõ rệt.
Theo kết quả kiểm tra tại EVN Hà Nội, trong tháng 7, số hóa đơn có mức tiền điện giảm 1,5 lần tới dưới 2 lần so với tháng 6 là 183.000 trường hợp; mức giảm từ 2 lần trở lên thì có 75.000 trường hợp. Xét trong bối cảnh tương quan cùng kỳ năm 2014 với các năm khác, ông Phúc cho rằng, việc tăng giảm hóa đơn tiền điện như vừa qua là bình thường.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, giá điện trước mắt sẽ chưa tăng. Theo ông Hải, theo đúng quy trình, nếu muốn tăng giá điện, EVN phải gửi đề xuất và được Bộ cho phép mới được tăng. Bộ Công Thương hiện vẫn chưa nhận được đề xuất gì từ phía EVN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết giá điện trước mắt sẽ chưa tăng. |
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong tháng 7, sản lượng điện của cả nước ước đạt 12,34 tỷ kWh, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm tháng 7 ước đạt 11,56 tỷ kWh, tăng 13,6% so với cùng kỳ.
Cũng tại buổi họp báo, trước câu hỏi về việc giá xăng trong nước liệu có giảm không khi giá xăng thế giới hiện đã giảm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, việc tăng giảm giá xăng hiện vẫn phải tuân theo nghị định 84, tức là tính theo giá bình quân 30 ngày trước đó để làm căn cứ đưa ra giá mới, chứ không thể tăng giảm tùy tiện.
Hoàng Dương (thực hiện)