Hoàn thuế dây dưa, doanh nghiệp nản lòng

Nhiều doanh nghiệp phản ánh rất bức xúc khâu hoàn thuế. Có hồ sơ hoàn thuế kéo dài hàng năm, thậm chí hai năm, doanh nghiệp nản và không muốn đi đòi tiền hoàn thuế nữa.

“Dài cổ” chờ hoàn thuế

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thép Khương Mai cho biết: “Từ năm 2012, Công ty đã đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa, nhưng ròng rã suốt ba năm vẫn chưa được hoàn số tiền thuế 2,65 tỷ đồng. Tình trạng này khiến hàng xuất khẩu phải nằm trong kho mà vốn liếng của doanh nghiệp cũng bị chôn trong đó”.

Doanh nghiệp mong mỏi tháo gỡ khó khăn thủ tục thuế.


Theo ông Khương, để phục vụ việc xuất khẩu, Khương Mai đã phải lập một công ty khác nhưng cũng rất mệt mỏi với đủ các thủ tục, giấy tờ bởi theo quy định, doanh nghiệp chỉ được hoàn thuế khi có đủ 12 tháng kinh doanh, nghĩa là mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu. Theo tính toán của ông Khương, với số tiền 2,65 tỷ đồng nằm ở cơ quan thuế trong 3 năm nếu đem gửi ngân hàng, tính lãi suất bình quân là 10%/năm thì công ty đã có thêm 780 triệu đồng tiền lãi.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) chia sẻ: Năm 2010, nhân viên xuất nhập khẩu nộp nhầm thuế phải làm thủ tục xin được hoàn thuế. Thuế nhập khẩu sau đó đã được cơ quan hải quan hoàn lại nhưng thuế GTGT tổng cộng hơn 120 triệu đồng thì bị ách tắc từ bấy đến nay. Nhân viên phải đi lòng vòng hết cơ quan thuế rồi đến hải quan. Lúc đầu, cơ quan hải quan hướng dẫn về Cục Thuế TP Hồ Chí Minh để được hoàn thuế GTGT vì đây là việc của thuế nội địa. Sang Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, sau một thời gian chờ đợi, công ty nhận được hướng dẫn trở lại Chi cục Hải quan Tân Cảng. Lên Tân Cảng thì lại được hướng dẫn bằng miệng là về cục thuế.

“Lãi phạt nộp thuế chậm của doanh nghiệp trước đây là 0,05%/ngày, nay tăng lên 0,07%/ngày. Tính ra mỗi tháng tiền phạt lãi lên đến 2,1%, mỗi năm lên tới hơn 25%. Với các trường hợp cơ quan thuế chậm làm thủ tục, cán bộ gây khó cho doanh nghiệp trong hoàn thuế, cũng phải có hình phạt tương đương”. Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh giấy Hà Nội

Đại diện Tổng cục Thuế, thừa nhận: Năm 2014, cơ quan thuế còn phải hoàn gần 2.452 tỷ đồng cho doanh nghiệp đã có quyết định hoàn thuế và 5.708 tỷ đồng cho hồ sơ hoàn thuế năm 2013 chuyển sang. Năm 2015, ngân sách tiếp tục phải hoàn thuế 6.602 tỷ đồng cho các quyết định hoàn thuế đã ban hành năm 2014 và hơn 10.635 tỷ đồng cho số hồ sơ đã tiếp nhận năm 2014, nhưng chưa giải quyết do quỹ hoàn thuế GTGT cạn nguồn. Tổng số tiền hoàn thuế mà ngân sách nợ doanh nghiệp chỉ tính riêng năm 2014 là 17.237 tỉ đồng phải chuyển sang năm 2015 xử lý tiếp.

Đề cập tới tình trạng chậm hoàn thuế, lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh lý giải: Do số tiền liên quan tới ngân sách nhà nước nên cán bộ thuế phải cẩn thận rà soát nhằm tránh sai sót, tránh phải chịu trách nhiệm sau này. Bên cạnh đó, cơ quan thuế địa phương phải cân đối với số tiền được Quỹ hoàn thuế GTGT phân bổ. “Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan cấp trên từ khi lập ra Quỹ hoàn thuế GTGT năm 2013 đã thực hiện phân bổ tiền cho các cơ quan thuế cấp dưới thấp hơn thực tế và con số đã được cấp dưới dự toán chính xác trước đó”, vị này nói.

Ngăn chặn cán bộ thuế “đi đêm”

Chủ một tiệm kinh doanh vàng ở TP Hồ Chí Minh trải lòng: “Cơ quan thuế ấn định doanh thu 1 tỷ đồng/tháng và mức khoán thuế là 15 triệu đồng/tháng. Khoán thuế mỗi năm thực hiện một lần vào đầu năm nhưng tại địa bàn cơ sở này chỉ cho khoán thuế 6 tháng/lần. Đều đặn vào đầu tháng 1 và đầu tháng 7, đội trưởng gọi tôi lên đưa ra mức khoán thuế mới”.

Có nhiều ý kiến cho rằng: Cán bộ thuế có quá nhiều quyền khi xác định mức nộp thuế của doanh nghiệp qua việc tăng doanh thu lên hoặc giảm xuống. Đây là cơ hội để doanh nghiệp và cán bộ thuế thỏa thuận để cả hai cùng có lợi.

Khẳng định việc cán bộ thuế "đi đêm" với hộ kinh doanh là một thực tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (TCT) Nguyễn Đại Trí cho biết: Đơn vị đang phối hợp với cơ quan thống kê để làm rõ con số hơn 60% hộ kinh doanh và cán bộ thuế có thỏa thuận ngầm (theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh: “Một trong những sửa đổi của ngành thuế cần làm là đẩy mạnh hiện đại hóa và giảm tiếp xúc giữa người nộp thuế và cơ quan chức năng. Với hộ cá thể, chúng tôi đang nghiên cứu làm sao có tổ chức doanh nghiệp ủy nhiệm thu như thu tiền điện, tiến tới áp dụng phương thức điện tử và có thể nộp thuế qua chính điện thoại di động".

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 12/2015, trong đó có sửa đổi cơ chế quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Hướng dẫn nghị định này, Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư 92/2015 để xử lý một loạt tồn tại trong ngành thuế. Trước đây xác định thuế khoán cho hộ kinh doanh trên cơ sở các yếu tố: doanh thu, bản khai các chi phí, các khoản được trừ không phải chịu thuế... Nay chỉ việc khai doanh thu và số thuế phải nộp được xác định theo tỉ lệ cụ thể trên doanh thu. Quy định này sẽ giúp người dân dễ thực hiện, đồng thời dễ kiểm tra, giám sát cơ quan thuế. Đặc biệt sẽ công khai từ kê khai của người nộp thuế, phê duyệt của cơ quan thuế.



M.Phương - H.Yên
Sân bay Phú Quốc sẽ hoàn thuế VAT cho người nước ngoài
Sân bay Phú Quốc sẽ hoàn thuế VAT cho người nước ngoài

Sân bay quốc tế Phú Quốc sẽ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua trong nước mang theo khi xuất cảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN