Với phương châm “lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, ngành thuế thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt với việc hoàn thuế giá trị gia tăng đã áp dụng hoàn thuế điện tử đạt 99% với gần 80% số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện "hoàn trước - kiểm sau" được cơ quan thuế giải quyết hoàn ngay khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến của các doanh nghiệp phản ánh ngành thuế chậm trễ trong khâu giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn cần lời giải đáp.
Bài 1: Nguyên nhân của việc chậm trễ
Hoàn thuế giá trị gia tăng là một chủ trương đúng tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Quy trình hoàn thuế hiện cũng rất minh bạch, đảm bảo thông thoáng với những doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và hạn chế ở mức cao nhất thất thoát ngân sách của nhà nước thông qua hoàn thuế.
Truy xuất nguồn gốc có phù hợp với thực tiễn
Theo báo cáo của Bộ Tài chính trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế. Riêng 7 tháng của năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế giá trị gia tăng đã hoàn 71.825 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như chế biến xuất khẩu gỗ, tinh bột sắn, cao su, nông sản... đã có ý kiến về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì bị chậm hoàn thuế GTGT. Điều này đã ảnh hưởng dòng vốn sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Là công ty kinh doanh trong lĩnh vực gỗ, bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty 12-11 Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, công ty đã nộp hồ sơ để hoàn thuế và đến nay đã hơn một năm vẫn chưa biết sẽ phải chờ đến bao giờ mới được hoàn thuế. Trong khi đó, lượng tiền hoàn thuế của doanh nghiệp bà Vinh đã lên 170 tỷ đồng. Để có vốn duy trì sản xuất, tránh máy móc bị hư hỏng do lâu ngày không hoạt động và giữ một số mối khách hàng thân thiết, bà đã phải bán một căn nhà.
Công ty 12-11 chỉ là một trong số rất nhiều các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu gỗ đang đợi để được hoàn trả thuế giá trị gia tăng. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số tiền thuế GTGT doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là trên 6.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp dăm gỗ, viên nén, ván dán…
Hay như Công ty LiOA cũng đã có đơn kêu cứu khẩn cấp lên các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện Quốc hội về việc không được hoàn thuế giá trị gia tăng từ đầu năm 2023 đến nay với số tiền chậm hoàn thuế đến hơn 200 tỷ đồng khiến doanh nghiệp này lâm vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” và đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng những điều kiện cụ thể như hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng… Nếu các tiêu chí trên đảm bảo yêu cầu thì sau khi xét duyệt cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn thuế. Thời gian quy định cho loại hoàn trước kiểm tra sau là 6 ngày, còn kiểm tra trước hoàn sau là 40 ngày.
Đó là quy định của pháp luật nhưng thực tế lại không đơn giản. Theo các chuyên gia kinh tế, việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp được thực hiện khá đồng bộ với tiến độ nhanh vì ngành Thuế đã triển khai hoàn thuế điện tử. Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu nảy sinh khi ngành Thuế trong quá trình quản lý thuế và hoàn thuế đã phát hiện một số nhóm các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tinh bột sắn...
Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng; rà soát người nộp thuế có rủi ro về hoàn thuế; siết chặt quản lý việc hoàn thuế giá trị gia tăng, đặc biệt là đối với hàng hóa có rủi ro cao như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tinh bột sắn...
Ông Thang Văn Thông, đại diện Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho hay, cách truy xuất của ngành thuế chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của doanh nghiệp. Bởi Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp chỉ truy xuất đến người phát sinh thuế. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan thuế đang yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng. Bên cạnh đó, việc xác định nguồn gốc gỗ có thêm lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm lâm... và với cách làm này, thời gian xác minh sẽ rất dài.
Doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro mới bị kéo dài thời gian
Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải cho biết, trong nhiều năm qua, ngành thuế đã tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế cho các doanh nghiệp theo nguyên tắc “người nộp thuế tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm”. Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế do cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp: "hoàn trước - kiểm sau" và "kiểm trước - hoàn sau" theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
Đối với hồ sơ thuộc diện "hoàn thuế trước - kiểm tra sau", nếu đáp ứng đủ điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định thì cơ quan thuế triển khai hoàn thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Các hồ sơ thuộc diện ‘kiểm tra trước hoàn thuế sau’ thì cần phải kiểm tra để có cơ sở giải quyết, xử lý hoàn thuế theo quy định.
Thời gian qua, hồ sơ kiểm tra trước hoàn của một số doanh nghiệp đã bị kéo dài thời gian so với quy định là do trong quá trình phân tích dữ liệu chuỗi hóa đơn cập nhật thực tế tại hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp có mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế của các doanh nghiệp mà bán cho những doanh nghiệp hoàn thuế này nhưng các doanh nghiệp đó đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế; hay đã tạm ngừng hoạt động.
Tổng cục Thuế cho biết, từ năm 2022 đến nay, các Cục Thuế địa phương đã tiếp nhận 5.213 hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong số đó, số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn là 4.888 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 93,7% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế đã nhận thấy một số đối tượng đã lợi dụng cơ chế chính sách của Nhà nước để gian lận và chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế có những văn bản chỉ đạo các cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải tăng cường xác minh và phân loại những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật để triển khai thực hiện hoàn thuế ngay và chỉ ra những doanh nghiệp có rủi ro cao để phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vi phạm.
Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp ngành gỗ, cơ quan thuế xác định 548 hồ sơ liên quan đến các doanh nghiệp trung gian đã phát hiện 72 hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng có kê khai hóa đơn của 264 doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động.
Do vậy, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an, qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của toàn ngành Thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ thì có đến hơn 7.600 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Đây là những dấu hiệu rủi ro đối với việc quản lý thuế.
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của 9 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan Công an để phối hợp điều tra, xác minh, nguyên nhân do doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hoá đơn khống để hoàn thuế, mua hàng của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế…
Đặc biệt, có những nhóm doanh nghiệp đang nằm trong diện nghi án điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp; trong đó, có những trường hợp do cơ quan Công an thông báo cho cơ quan thuế trong quá trình điều tra các vụ án kinh tế hoặc mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Tổng cục Thuế cho biết, gian lận trong hoàn thuế hiện đang có những diễn biến hết sức phức tạp với tần suất và phạm vi rất rộng. Chính vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ thu ngành thuế còn phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn ngân sách cho Nhà nước không để những đối tượng xấu thực hiện hành vi gian lận chiếm đoạt ngân sách của Nhà nước thông qua hoàn thuế, góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, minh bạch trong cộng đồng doanh nghiệp.
Bài cuối: Hài hòa giữa doanh nghiệp và Nhà nước