Hoàn thuế giá trị gia tăng - Bài cuối: Hài hòa giữa doanh nghiệp và Nhà nước

Quốc hội, Chính phủ đã có yêu cầu phải khẩn trương hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Ngành thuế cũng khẩn trương đối thoại, ban hành quyết định hoàn thuế để giải tỏa niềm mong mỏi của cộng đồng, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Hoạt động nghiệp vụ của cán bộ thuế. Ảnh minh họa: TTXVN

Phòng chống gian lận hoàn thuế

Theo các chuyên gia kinh tế, thủ đoạn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng thường là mua bán hóa đơn, kê khống giá trị, thanh toán tiền hàng cùng rút tiền từ ngân hàng diễn ra trong một ngày và cùng tên người rút tiền, doanh nghiệp xin hoàn thuế không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển… Do đó, để không xảy ra trục lợi chính sách, gây thất thoát tiền của ngân sách thì quá trình hoàn thuế đối với một bộ phận doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro có thể sẽ phải kéo dài để xác minh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng yêu cầu Tổng cục Thuế ngăn chặn sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp để phòng chống gian lận hoàn thuế, ngăn chặn, phát hiện từ sớm, từ xa đối với các hành vi gian lận về thuế. Đặc biệt là kiên quyết không hoàn thuế đối với hồ sơ không đủ điều kiện và hồ sơ có dấu hiệu gian lận cần chuyển cho cơ quan Công an phối hợp xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thuý Nga, Giám đốc một công ty tư vấn luật cho biết, theo quy định thời gian xử lý quy định với những trường hợp có vấn đề (kiểm trước hoàn sau) chỉ là 40 ngày, nhưng quãng thời gian này là không đủ vì thực tế khi phối hợp liên ngành trong nước thường có độ trễ. Đặc biệt, có nhiều trường hợp doanh nghiệp trong diện rủi ro, cơ quan thuế phải phối hợp với nước ngoài để xác minh nên ngành thuế không thể chủ động được.

Nhưng ở chiều ngược lại, vẫn có chuyên gia cho rằng, có thể cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng; kết hợp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban chính sách Hội tư vấn và đại lý thuế TP Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí đã cho rằng, quy định xác minh, phân tích, kiểm tra, đối chiếu… cũng phải thực hiện trong giới hạn thủ tục hành chính quy định của Luật Quản lý thuế cũng như Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế đối với kiểm tra trước hoàn sau không quá 40 ngày. Sau đó, thực hiện thanh kiểm tra hậu kiểm trong vòng 5 năm nhưng chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ, hoàn trước kiểm sau, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi phát hiện doanh nghiệp có rủi ro nhưng trước áp lực của một bộ phận dư luận vẫn tiến hành hoàn thuế sai đối tượng thì trách nhiệm ra sao khiến cơ quan quản lý thuế gặp vướng mà còn là vấn đề nóng đối với toàn xã hội, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính luôn đòi hỏi sự minh bạch, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Cải tiến rút ngắn quy trình hoàn thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi từng chia sẻ, đối với việc chậm hoàn thuế, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, thận trọng nhưng phải nhanh, chính xác trong phân loại rủi ro để làm sao không chậm; cơ quan nhà nước cũng rà soát quy định pháp luật, cách thức triển khai hoàn thuế để cải tiến, thay đổi, rút ngắn quy trình, đảm bảo yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận thuế và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng cường trách nhiệm trong phòng chống gian lận thuế và hoàn thuế là cực kỳ quan trọng nhưng không vì những “con sâu làm rầu nồi canh” dẫn đến có thể tác động ảnh hưởng đến một bộ phận doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), cần phân định hai nhóm là các doanh nghiệp có chủ đích gian lận, trục lợi về thuế thông qua việc mua bán hoá đơn và nhóm doanh nghiệp chỉ liên quan. Nên trong cách thức đối xử với doanh nghiệp cần phân biệt rõ điều này, không nên đánh đồng các doanh nghiệp với nhau. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo vệ được nguồn ngân sách cho Nhà nước.

Các doanh nghiệp cho biết, đã đối thoại với ngành thuế để giải đáp vướng mắc và ngành thuế cũng tăng cường rất nhiều các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá: ngành thuế đang triển khai tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu lớn về doanh nghiệp, sàng lọc dữ liệu rủi ro. Từ đó, giảm tối đa những doanh nghiệp "kiểm trước, hoàn sau". Tổng cục Thuế hiện đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu và rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

Song song với đó, để kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường tổ chức đối thoại với hiệp hội, doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng tồn đọng kéo dài để làm rõ vướng mắc, chủ động xử lý, giải quyết các vướng mắc trong thẩm quyền. Trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Thuế để được kịp thời hướng dẫn.

Cơ quan thuế địa phương căn cứ yêu cầu nhiệm vụ về hoàn thuế triển khai thành lập bộ phận hoặc tổ công tác xử lý đối với hồ sơ, phân loại, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế.

Ngoài ra, cơ quan thuế đã thành lập những tổ chuyên trách về hoàn thuế với mục tiêu tập trung triển khai nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với quyết định hoàn thuế thuộc diện ‘hoàn thuế trước, kiểm tra sau’. Điều này nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế để chiếm đoạt ngân sách của Nhà nước, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, đặc biệt là các quốc gia có chung đường biên giới có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam để tham vấn, xác minh về hoàn thuế GTGT để bảo đảm các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế được thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, nhanh chóng, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng gian lận trong hoàn thuế gây thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Tổng cục Thuế cho biết sẽ tăng cường ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng hóa đơn điện tử giả, gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng; thanh tra, kiểm tra chống gian lận, trốn thuế, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, đánh giá rủi ro, đặc biệt có giải pháp quyết liệt ngăn chặn sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp để phòng chống gian lận hoàn thuế, ngăn chặn, phát hiện từ sớm, từ xa đối với các hành vi gian lận về thuế.

Thùy Dương (TTXVN)
Hoàn thuế giá trị gia tăng - Bài 1: Nguyên nhân của việc chậm trễ
Hoàn thuế giá trị gia tăng - Bài 1: Nguyên nhân của việc chậm trễ

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như chế biến xuất khẩu gỗ, tinh bột sắn, cao su, nông sản... đã có ý kiến về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN