Những tín hiệu vui
Vụ Vận tải (Bộ GTVT) vừa công bố những số liệu tích cực từ hoạt động vận tải trong 8 tháng đầu năm 2022. Thống kê vận tải hàng không, số lượng hành khách thông qua các sân bay đạt 76,5 triệu khách, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 8/2022, sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không ước đạt 11,5 triệu khách, tăng tới 473% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực hàng hải, tính trong 8 tháng, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt gần 496 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 8/2022 ước đạt 62 triệu tấn, tăng 3%. Trong đó, khối lượng hàng container đạt 2,13 triệu TEUs, tăng 2%. Với đường thủy nội địa, khối lượng hàng hóa đạt 242,5 triệu tấn và 53,8 tỷ tấn.km (tăng hơn 14%); số lượng hành khách đạt 177 triệu lượt và 3,3 tỷ lượt khách.km (tăng 14%).
Lĩnh vực vận tải đường bộ mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, nhưng cũng có những bước phục hồi tích cực. Vận tải hàng hàng hóa bằng đường bộ tăng trưởng hơn 16% đối với vận tải hàng hóa và hơn 19% với vận tải hành khách.
Riêng với đường sắt, khối lượng hàng hóa vận chuyển 8 tháng qua ước đạt 3,9 triệu tấn, tăng 3,5% và 3,04 tỷ tấn.km, tăng 22,8%. Số lượng hành khách đạt 3 triệu lượt, tăng hơn 143% và 1,2 tỷ khách.km, tăng 137% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, "điểm sáng" của hoạt động vận tải 8 tháng qua là lĩnh vực vận tải hàng không ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ đầu năm, với sản lượng hành khách tăng cao trong mùa du lịch hè 2022, thị trường hàng không nội địa đang tăng trưởng vượt xa mọi dự báo. Bên cạnh đó là sự hồi phục nhanh chóng của sản lượng vận tải, lũy kế vận tải hàng hóa ước đạt 1.129 triệu tấn và vận tải hành khách ước đạt 2.248 triệu lượt khách.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, sự tăng trưởng sản lượng vận tải cho thấy sự hồi phục nhanh của ngành Giao thông, nhờ các giải pháp khẩn trương giảm chi phí vận tải, chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước tình trạng giá nhiên liệu tăng cao hay yêu cầu các hãng hàng không xử lý chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè năm 2022. Theo Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, 8 tháng đầu năm, hoạt động vận tải hành khách ghi nhận đà tăng ấn tượng, đặc biệt ở lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường bộ...
Vận tải vẫn đối mặt với nhiều thách thức
Mặc dù hoạt động vận tải đã và đang ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế nói chung, nhưng các lĩnh vực vận tải nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là áp lực về giá nhiên liệu.
Theo ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam trên đà phục hồi, nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Dù thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh, nhưng thị trường quốc tế phục hồi chậm, vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng, nhưng nội địa giảm. Đáng chú ý, doanh thu ngành Hàng không không tương ứng do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, các hãng hàng không vẫn bị lỗ. Thêm vào đó, trên thế giới vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, khiến các hãng phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng không.
Theo kế hoạch năm 2022 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%, nhưng do giá nhiên liệu tăng trong nửa đầu năm 2022 đã khiến tỷ lệ này hiện đã lên đến 29%, làm tăng chi phí vận tải lên 15 - 20% so với kế hoạch ban đầu. Dù vậy giá vé tàu hỏa vẫn giữ ổn định so với trước thời điểm biến động giá nhiên liệu, để đảm bảo thu hút hành khách.
Trong lĩnh vực vận tải đường bộ, sau khi giá xăng dầu có xu hướng hạ nhiệt, đại diện hầu hết các doanh nghiệp vận tải chia sẻ, đây là tín hiệu tốt giúp các nhà xe duy trì hoạt động kinh doanh, nhưng chưa thể phục hồi hoàn toàn và các doanh nghiệp đều phải vừa chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những biến động tiêu cực của giá xăng dầu, vừa chờ các cơ quan quản lý Nhà nước bình ổn thị trường.
Với đường thủy nội địa, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 45 - 50% chi phí vận tải và 32 - 35% giá dịch vụ vận tải. Để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu trong những tháng đầu năm, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Riêng đối với hoạt động vận tải biển, giá nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí khoảng 35 - 45%. Tuy nhiên, giá cước vận tải biển quốc tế đã tăng từ cuối năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát và đạt đỉnh vào tháng 9/2021 rồi giảm dần. Do đó, các doanh nghiệp vận tải biển hiện chưa tăng giá cước vận tải theo giá nhiên liệu.
Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vận tải trước áp lực giá xăng dầu, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí và chỉ đạo các Cục quản lý chuyên ngành đề xuất những giải pháp hỗ trợ đối với từng lĩnh vực vận tải.