Đây là cam kết đạt được của các thành viên sau khi kết thúc kỳ họp thứ 83 của Ủy ban Quốc gia ASCOPE ngày 17/5.
Trong những ngày làm việc, các thành viên đã thống nhất tiếp tục xây dựng cuốn Hướng dẫn Hợp nhất các hoạt động tìm kiếm thăm dò trong ASCOPE. Các bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác tái sử dụng xúc tác thải giữa các nhà máy lọc dầu, nâng cấp và mở rộng nhà máy lọc dầu, mô hình tối ưu hóa làm sạch thiết bị trao đổi nhiệt, xếp loại mức độ tối ưu về năng lực vận hành.
Ngoài ra, ASCOPE cũng thống nhất xây dựng Chiến lược ứng cứu trong tình huống khẩn cấp thiếu hụt về khí - là một phần của việc thực hiện cơ chế phối hợp khi xảy ra tình huống khẩn cấp về năng lượng giữa các nước ASEAN.
Từ kỳ họp năm 2016 ở Campuchia, ASCOPE đã quyết định thay đổi tầm nhìn và sứ mệnh phù hợp với tình hình và nhu cầu hiện tại bao gồm: Cơ cấu tổ chức, mô hình và nội dung hoạt động và các dự án ưu tiên hợp tác phù hợp với chỉ dẫn và định hướng của Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng ASEAN.
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASCOPE Việt Nam cho biết: Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến về việc cung cấp phương tiện, hậu cần trong các nước thành viên và nhiều sáng kiến khác trong các tiểu ban nhằm mục đích thực hiện tốt các tôn chỉ của ASCOPE và đảm bảo lợi ích của các quốc gia thành viên.
ASCOPE gồm: Công ty Dầu khí Quốc gia Brunei (PetroleumBRUNEI), Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia (Ministry of Mines and Energy - MME), Công ty Dầu khí Quốc gia Indonesia (Pertamina), Công ty Nhiên liệu Quốc gia Lào (LSFC), Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas), Công ty Dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE), Công ty Dầu Quốc gia Philippines (PNOC), Tổng Công ty Singapore Liquefied Natural Gas Corp. - SLNG (Singapore), Công ty Dầu khí Quốc gia PTT (Thái Lan) và PVN. Việt Nam với đại diện là Petrovietnam đã gia nhập ASCOPE từ năm 1996.
Kỳ họp thứ 83 của Ủy ban Quốc gia ASCOPE diễn ra từ ngày 15 đến 17/5 tại Đà Nẵng.