Hội thảo xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc tại Ấn Độ

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 5/9, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ, đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, do ông Phạm Văn Vọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu, đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) tổ chức cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư của tỉnh.

 

Quang cảnh Hội thảo xúc tiến thương mại của tỉnh Vĩnh Phúc tại Ấn Độ

 

Tham dự hội thảo có các thành viên của đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, một số cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Tổng giám đốc FIEO Ajay Sahai, các đại biểu của FIEO, cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ajay Sahai, Tổng Giám đốc FIEO đã nêu bật quan hệ hữu nghị truyền thống ngày càng phát triển mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam. Ông khẳng định đây là yếu tố quyết định thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại và Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng lớn chưa được khai thác hết đang chờ đợi các nhà xuất khẩu Ấn Độ.

 

Giới thiệu về đặc điểm, thế mạnh và tiềm năng của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phạm Văn Vọng cho biết với những đặc điểm sinh thái đa dạng, giao thông thuận lợi, có bề dày lịch sử-văn hóa, nhiều danh lam, thắng cảnh, lực lượng lao động cần cù, thông minh và sáng tạo, Vĩnh Phúc đã, đang và sẽ là địa điểm hấp dẫn với giới đầu tư nước ngoài. Phát huy những lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực, nhất là điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là công tác quy hoạch: từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia để định hướng phát triển lâu dài, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch phát triển 20 khu công nghiệp đến năm 2020; quy hoạch chung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do công ty Nikhen Sekkei Civil Engineering Ltd. (Nhật Bản) thực hiện, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. ong 17 năm liên tục (1997-2013), Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 16%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; các lĩnh vực xã hội phát triển, đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao… Ông Phạm Văn Vọng khẳng định những thành tựu trên có được nhờ sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến hết tháng 8/2014, Vĩnh Phúc đã thu hút 167 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 3 tỷ USD. Hiện rất nhiều tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài đầu tư vào Vĩnh Phúc trong đó có Honda, Toyota (Nhật Bản), Piaggo (Italy), De Hus (Hà Lan), Foxconn, Compal (Đài Loan, Trung Quốc), Daewoo, Sindoh (Hàn Quốc). Riêng Ấn Độ đã có hai dự án của công ty Minda vào Vĩnh Phúc.

Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện mục tiêu “Phấn đấu có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của Thế kỷ XXI”. Để đạt mục tiêu này, tỉnh xác định phải khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đến vốn FDI, đặc biệt là nguồn vốn và công nghệ của các doanh nghiệp Ấn Độ. Đối với các dự án đầu tư vào Vĩnh Phúc, ngoài các ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước Việt Nam, nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi riêng của tỉnh như hỗ trợ phí đào tạo nghề, ưu tiên tuyển dụng lạo động, hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ dự án. Vĩnh Phúc luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Ấn Độ.

Ông Trần Quang Tuyến, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho biết cùng với sự phát triển quan hệ về mọi mặt, quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ chuyển biến rất tích cực. Từ năm 1988 đến nay đã có hơn 80 dự án FDI của Ấn Độ vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,1 tỷ USD; Ấn Độ xếp thứ 12 trong khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI vào Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2014 đã có 3 dự án FDI mới của doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam, với vốn đăng ký khoảng 750.000 USD… Ông Tuyến khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục là “cầu nối” đáng tin cậy để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác.

Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Việt Nam tăng mạnh, từ mức 2,36 tỷ USD năm 2009-2010 lên 8,03 tỷ USD trong năm 2012-2013; kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam trong tài khóa 2013 đạt 5,44 tỷ USD, tăng 37,17% so với tài khóa 2012.


Bài, ảnh:  Minh Lý-Tiến Hiến (P/V TTXVN tại New Delhi)

Doanh nghiệp Singapore quan tâm đầu tư vào Vĩnh Phúc
Doanh nghiệp Singapore quan tâm đầu tư vào Vĩnh Phúc

Tại hội thảo xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc được tổ chức tại Singapore ngày 18/7, đại diện của nhiều công ty Singapore đã bày tỏ quan tâm tới môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN