Hơn nữa, trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn chỉ có liên kết thì hợp tác xã và doanh nghiệp mới phát triển được thương hiệu sản phẩm thông qua ứng dụng thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một con số rất nhỏ trong khối kinh tế tập thể áp dụng hình thức này vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân là do trình độ nhân sự quản lý nói chung và nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động thương mại điện tử tại các hợp tác xã chưa nhiều khiến khu vực này chưa thể chuyển mình vươn lên trong hội nhập.
Chậm ứng dụng thương mại điện tử
Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu thành viên tham gia gần 20.000 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó có 11.756 hợp tác xã nông nghiệp, 1.661 hợp tác xã thương mại - dịch vụ, 828 hợp tác xã xây dựng, 1.906 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 1.163 hợp tác xã vận tải, 1.176 quỹ tín dụng nhân dân, 997 hợp tác xã dịch vụ môi trường và lĩnh vực khác. Các hợp tác xã này đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng GDP, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo khảo sát, đánh giá của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, hầu hết các hợp tác xã thuộc lĩnh vực vận tải, chợ, thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp đều có trang bị máy tính, cũng như sử dụng các phần mềm quản lý như kế toán, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu.
Tuy nhiên trong số này chưa đến 10% số hợp tác xã có website giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, việc sử dụng các ứng dụng thương mại dịch vụ phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 30%.
Riêng với khu vực các hợp tác xã nông nghiệp, chỉ có khoảng 14% có trang bị hệ thống máy tính chủ yếu để quản lý kế toán và lưu trữ dữ liệu. Còn lại hầu hết các hợp tác xã vẫn chưa có website và chỉ có duy nhất bộ máy vi tính nhưng không kết nối internet.
Chẳng hạn như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Xuân được xem là gương điển hình trong liên kết “4 nhà” về bao tiêu nông sản nhưng việc ứng dụng thương mại điện tử còn rất sơ khai.
Ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc hợp tác xã Đồng Xuân cho biết, hiện tại hợp tác xã vẫn chưa có website, chỉ có duy nhất bộ máy vi tính không kết nối internet.
Do vậy, các giao dịch email đều nhờ bên ngoài, kể cả việc nắm bắt tin tức thị trường chủ yếu qua bạn hàng hay bằng máy tính, điện thoại cá nhân…
Mặc dù mong muốn nhất của hợp tác xã là xây dựng được thương hiệu “Rau quả Đồng Xuân”, nhất là các loại rau quả xuất khẩu chủ lực như dưa chuột, mướp đắng, cà chua nhót nhưng 36 cán bộ của hợp tác xã chưa ai am hiểu chuyên sâu thương mại điện tử. Đây là một trong những hạn chế khiến hợp tác xã vẫn loay hoay trong việc tìm hướng đi riêng.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, vấn đề có ý nghĩa quyết định để có một mô hình liên kết bền vững là phải có sự cam kết, ràng buộc về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân.
Chính vì vậy, ứng dụng thương mại điện tử là một trong những giải pháp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã. Đây chính là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế hiện nay, đồng thời là nhu cầu cấp thiết của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững.
Đổi mới để phát triển
Đại diện Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình chia sẻ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 website thương mại điện tử đang hoạt động; trong đó có hàng trăm website của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, các hợp tác xã, các nhà phân phối và cả các hộ nông dân.
Đặc biệt, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã bước đầu phát triển với cả hai hình thức bán lẻ trực tuyến B2C (Business - To - Customer) và bán qua các kênh phân phối B2B ( Business To Business), góp phần quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản Ninh Bình.
Thông qua trang website thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh có thể tiến hành giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử đồng thời với nhiều khách hàng mà không phải bỏ quá nhiều thời gian và chi phí đi đàm phán, cũng như giảm bớt các khâu phân phối trung gian.
Bên cạnh đó, với việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng, sản phẩm của đối thủ cạnh tranh… còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ.
Là một trong những tỉnh xác định phát triển thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ then chốt trong triển khai cách mạng 4.0, những năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc đang có những bước tiến vượt bậc.
Nếu như năm 2013, Vĩnh Phúc còn chưa nằm trong danh sách được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, tỉnh không chỉ lọt vào danh sách đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam mà còn có chỉ số thương mại điện tử vươn lên đứng thứ 16/63 tỉnh, thành trên cả nước.
Đây là một thành công lớn, song, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đặt ra bài toán cho các cơ quan chuyên môn trong việc ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý, hỗ trợ ngành thương mại điện tử phát triển theo hướng bền vững.
Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều trang bị máy tính kết nối internet, 100% sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất với mục đích quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng và chăm sóc khách hàng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng gần 100 website cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, nhập khẩu; đổi mới nội dung tuyên truyền và xây dựng thêm nhiều sản phẩm thương mại điện tử mới, có tính tiện ích cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Theo dự báo của giới phân tích, thương mại điện tử sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Năm 2017, Việt Nam có 53,86 triệu người sử dụng internet, con số này sẽ tăng lên 59,48 triệu người vào năm 2022 (nguồn statista.com).
Dự kiến doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng tăng 20% mỗi năm và sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2020, cũng có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã triển khai xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động và đã đạt được những kết quả ban đầu.
Hầu hết các hợp tác xã đã từng bước nhận thấy những lợi ích to lớn mà thương mại điện tử đem lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải đồng bộ nhiều giải pháp từ chính sách của Chính phủ đến nền tảng công nghệ, kỹ thuật, các giá trị gia tăng như vận chuyển và thanh toán…
Hơn nữa, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cần cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh và tài chính cũng như trình độ khoa học kỹ thuật và thương mại điện tử. Đặc biệt, trau dồi thêm kiến thức và khả năng tư duy, am hiểu về marketing trong các hợp tác xã.
Thời gian tới Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; tăng cường đầu tư trực tiếp, có chính sách tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội.
Mặt khác, ban hành các quy định, cơ chế đảm bảo an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử để hỗ trợ các hợp tác xã, tạo tiền đề để các hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững.