Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Tp. Hồ Chí Minh có hơn 10 triệu dân, tổng mức bán lẻ và doanh thu
dịch vụ đạt gần 1 triệu tỷ đồng/năm. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa
đạt gần 600.000 tỷ đồng/năm. Riêng đối với một số mặt hàng lương thực,
thực phẩm thiết yếu, thống kê sơ bộ mỗi năm Tp. Hồ Chí Minh cần khoảng
700.000 tấn gạo; 216.000 tấn thịt lợn; 130.000 tấn thịt gia cầm; 1 tỷ
quả trứng gà, vịt; gần 2 triệu tấn rau củ, quả các loại; 132.000 tấn
thủy hải sản…
Người dân tích cực "giải cứu" củ cải cho nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN
|
Tuy nhiên, nguồn nông sản do thành phố tự cung ứng tương đối hạn
chế, chỉ chiếm khoảng 15%; còn lại 85% chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ
các địa phương trên cả nước. Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh còn là đầu mối
tập trung, giao thương quan trọng để xuất nhập khẩu hàng hóa trong và
ngoài nước.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh
cho biết, trước thực trạng nhà sản xuất khó tìm đầu ra nên không dám
mạnh dạn đầu tư, quy mô nhỏ lẻ, không có thương hiệu; trong khi đó nguồn
hàng cân đối cung cầu, bình ổn thị trường không ổn định; Tp. Hồ Chí
Minh đã tiên phong triển khai Chương trình Hợp tác thương mại với các
tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ; trong đó, điểm nhấn là hoạt động kết nối
cung – cầu hàng hóa với mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng, tiết giảm
chi phí trung gian, định hướng đầu tư quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc.
Không chỉ kết nối tiêu thụ hàng hóa, Tp. Hồ Chí Minh đã tìm kiếm,
chọn lọc được nhiều doanh nghiệp các tỉnh, thành tham gia bình ổn thị
trường; kết nối thực hiện được 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư
với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng, gồm: các dự án nuôi trồng, chế
biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu
thị… Đặc biệt, doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã liên kết cung ứng vốn
cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch khoảng 2.500 tỷ đồng mỗi
năm.
Đại diện hệ thống siêu thị Big C Việt Nam và Central Group Việt Nam
cho hay, với cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ người nông dân Việt Nam,
trong nhiều năm nay để hỗ trợ người nông dân tránh tình cảnh được mùa
nhưng mất giá, Big C Việt Nam và Central Group Việt Nam thường triển
khai các chương trình thu mua và bán hàng không lãi.
Điển hình, Big C Việt Nam và Central Group Việt Nam đã triển khai
các chương trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ bí đỏ, củ cải trắng, thịt lợn,
dưa hấu, chuối già hương… Ngoài ra, Central Group Việt Nam và Big C còn
tích cực triển khai quảng bá thương hiệu cho các loại trái cây thông
qua các Tuần lễ Vải thiều Bắc Giang; Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên…
Còn ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần
Trung tâm thương mại LOTTE Việt Nam (LOTTE Mart Việt Nam) khẳng định,
luôn ủng hộ tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại
LOTTE Mart hiện có đến 95% là các sản phẩm xuất xứ nội địa; nhất là các
mặt hàng nông sản, thực phẩm đa dạng.
Bên cạnh đó, LOTTE Mart còn nỗ lực thu mua, giải cứu các sản phẩm
nông sản Việt có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng cao. Với chính sách
này, LOTTE Mart không chỉ giải bài toán đầu ra giúp nông dân mà còn mang
đến nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn, giá cả tiết kiệm đến với các
khách hàng.
Liên kết hợp tác xã địa phương
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 44 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được
công nhận như làng nem Lai vung, làng hoa Tân Quy Đông, làng bột Sa Đéc,
làng chiếu Định Yên… Để giữ gìn và phát huy các giá trị sản phẩm làng
nghề, người dân, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính quyền
tỉnh Đồng Tháp đã và đang nỗ lực đổi mới sáng tạo để tăng thêm giá trị
cho các mặt hàng đặc sản.
Với sự chủ động đó, các sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa, mang
nét đặc trưng riêng của tỉnh Đồng Tháp đã từng bước tạo được những dấu
ấn trong lòng khách hàng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp,
qua nhiều năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu giữa tỉnh Đồng
Tháp và Tp. Hồ Chí Minh đã mang lại nhiều kết quả tích cực; trong đó sản
lượng lớn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Đồng Tháp đã được tiêu
thụ tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh và thị trường cả nước. Có thể kể đến
các sản phẩm chủ lực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gạo an toàn, gạo
hữu cơ; sản phẩm sau gạo như phở, hủ tiếu, bún, miến các loại; các sản
phẩm bột; các loại trái cây; trái cây, củ, quả sấy; thủy sản chế biến;
thủ công mỹ nghệ: hoa kiểng…
Còn ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho
rằng, trước tình hình tiêu thụ hiện tại của các sản phẩm nông sản, việc
liên kết doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ với đơn vị sản xuất, đặc biệt là
những hợp tác xã, làng nghề… đòi hỏi cấp thiết nhằm tìm đầu ra cho nông
sản. Từ đó, hạn chế tình trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản theo kiểu
chạy theo thị trường, không có sự gắn kết, khiến nền nông nghiệp phát
triển không ổn định và thiếu bền vững.
Theo ông Phan Văn Mãi, vừa qua sản phẩm dừa xiêm xanh và bưởi da
xanh của tỉnh Bến Tre đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa
lý, đây là tín hiệu tích cực và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển bảo
hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam.
Cùng với việc khuyến khích cộng đồng sản xuất kinh doanh, hợp tác
xã, người nông dân liên quan tham gia tích cực xây dựng chuỗi cung - cầu
sản phẩm địa phương, các sở ngành tỉnh Bến Tre sẽ hỗ trợ các đơn vị sản
xuất kết hợp chỉ dẫn địa lý với thương hiệu doanh nghiệp lớn, tái cơ
cấu ngành và cải thiệu cơ chế quản lý theo hướng hiện đại đáp ứng nhu
cầu thị trường.
Liên quan đến kinh nghiệm phát triển thị trường, đổi mới sản phẩm
và tài nguyên bản địa quốc gia, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia thị
trường, cho rằng, khi thương mại hóa sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu, kèm
theo chỉ dẫn địa lý, cần tổ chức nhiều hoạt động tăng khả năng nhận
diện chỉ dẫn địa lý như một thương hiệu.
Đơn cử, có những giải pháp quảng bá hiệu quả như dành vị trí đẹp
trong các hệ thống bán lẻ nội địa để giới thiệu sản phẩm có chỉ dẫn địa
lý cũng như nông sản, đặc sản, hàng hóa của hợp tác xã, làng nghề địa
phương. Còn doanh nghiệp, không ngừng thúc đẩy tăng giá trị sản phẩm
bằng việc tạo ra sản phẩm mới thông qua cải thiện mẫu mã, bao bì, nhãn
mác, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng…
Còn ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và
Công nghệ nhấn mạnh, vấn đề đảm bảo an toàn và chất lượng nông sản mang
tính sống còn không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với quốc gia.
Đồng thời, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đang được đánh giá cao
hơn cạnh tranh công nghệ trong xu hướng thị trường thương mại tự do.
Cụ thể, các kênh phân phối đã có sự chuyển biến căn bản trong nhận
thức thu mua hàng hóa với yêu cầu khắt khe hơn và quy trình kiểm soát
chất lượng chặt chẽ. Chính vì vậy, các địa phương cần thúc đẩy tăng
cường phối hợp thúc đẩy hình thành các mô hình liên kết sản xuất và tiêu
thụ thực phẩm an toàn, chuỗi cung ứng phù hợp nhu cầu thị trường./.