Kết quả cuộc khảo sát mới nhất về chỉ số phát triển kinh tế HSBC tại các thị trường mới nổi (HSBC EMI) cho thấy, trong quý II năm 2011, tăng trưởng tại các thị trường mới nổi đạt mức thấp nhất trong hai năm qua, phản ảnh sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu, tác động ngoài dự tính của thảm họa sóng thần tại Nhật Bản và do những hệ quả kéo dài của tình hình lạm phát gần đây.
HSBC EMI giảm xuống mức 54,2 điểm từ mức 55 điểm trong quý I và thấp hơn cả mức trung bình 54,8 điểm đã đạt được trong thời gian dài.
Áp lực về giá đã giảm đáng kể nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng liên tục của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi nhằm ứng phó với áp lực lớn về lạm phát phản ánh trong chỉ số HSBC EMI lần trước, điều đã được nhắc đến trong báo cáo HSBC EMI lần trước. Chỉ số HSBC EMI quý 2 năm 2011 cho thấy mức giảm chi phí đầu vào tốt nhất trong 30 tháng qua.
Tăng trưởng đều đều trong tất cả các lĩnh vực phản ánh mức tăng thấp hơn trong ngành sản xuất với tốc độ mở rộng giảm xuống thấp nhất trong ba quý gần đây. Trong khi đó, khối ngành dịch vụ ghi nhận mức độ tăng nhẹ về hoạt động, mặc dù đây vẫn là mức tăng thấp thứ hai tính từ quý II năm 2009.
Ông Stephen King, Kinh tế gia - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC cho biết: “Chỉ số HSBC EMI mới nhất cho thấy, sau sự phục hồi mạnh mẽ từ ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tốc độ tăng trưởng các hoạt động kinh tế tại các thị trường mới nổi đã chậm lại.
Tại nhiều nơi trong khối các thị trường mới nổi, mức tăng các đơn hàng xuất khẩu đã giảm đáng kể, cũng giống như tình tạng xảy ra tại các thị trường phát triển gần đây, phần nào cho thấy rằng mức tăng giao thương trên toàn thế giới đã đạt đỉnh trong quý I năm nay.”
Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ tăng trưởng trong ngành sản xuất đã giảm nhẹ tại hầu hết các lĩnh vực, trừ hai thị trường Nam Phi và Singapore. Trong khối thị trường mới nổi tại châu Á, tăng trưởng của thị trường Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong chín quý gần đây trong khi tại các thị trường Đài Loan và Ấn Độ, sản lượng sản xuất đạt mức tăng thấp nhất ghi nhận trong nửa năm gần đây.
Ấn Độ thậm chí đã ghi nhận mức tăng thấp hơn trong ngành sản xuất, mặc dù tỉ lệ tăng trưởng vẫn duy trì vững và vẫn là thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất trong khối thị trường mới nổi tham gia khảo sát. Tại châu Âu, mức tăng trưởng chậm đáng kể được ghi nhận tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hoà Séc trong khi tăng trưởng tại Nga đạt mức trung bình thấp trong năm quý gần đây.
Tăng trưởng yếu đi trong sản lượng sản xuất một phần đã phản ánh sự sụt giảm các đơn hàng mới dẫn tới sự chững lại trong sự gia tăng của các đơn hàng xuất khẩu mới. Trong các thị trường mới nổi có quy mô lớn nhất, Brazil, Trung Quốc và Nga đều ghi nhận sự sụt giảm số lượng các đơn hàng xuất khẩu mới. Ấn Độ ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong vòng một năm rưỡi gần đây; mức độ mở rộng sản xuất cũng đã giảm đáng kể tại Đài Loan và Hàn Quốc. Chỉ có hai thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan ghi nhận mức tăng nhẹ trong xuất khẩu.
Mặc dù tăng trưởng giảm xuống mức thấp nhất trong sáu quý gần đây, báo cáo cho thấy thị trường Ấn Độ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất của khối dịch vụ trong tất cả các thị trường mới nổi, theo sát là thị trường Nga. Tốc độ tăng trưởng được duy trì ổn định tại Brazil và Mexico, trong đó thị trường Trung Quốc, tăng trưởng về dịch vụ đạt tốc độ cao hơn kể từ mức thấp kỷ lục ghi nhận trong quý I.
Lần này cũng là lần thứ tư mức độ lạc quan của các nhà cung cấp dịch vụ trong khối các thị trường mới nổi ghi nhận sự sụt giảm sâu sắc nhất từ trước tới nay với mức độ lạc quan tại Trung Quốc giảm kỉ lục và Ấn Độ giảm sâu hơn mức ghi nhận trong quý I năm 2011. Trái lại, mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh trong thời gian một năm tới đạt mức cao nhất trong sáu quý gần đây tại thị trường Brazil và đạt mức cao nhất trong sáu năm rưỡi qua trong khối dịch vụ tại thị trường Nga.
Khi các biện pháp thắt chặt định lượng bắt đầu phát huy tác dụng kiềm chế tăng giá, chỉ số HSBC EMI mới nhất ghi nhận mức giảm hơn bốn điểm, mức giảm thấp nhất, của giá đầu vào trong hai năm rưỡi nay so quý I năm 2011 vốn là mức đỉnh trong 11 quý gần đây.
Mức giảm này chủ yếu tập trung vào khu vực sản xuất khi mức tăng giá mua nguyên liệu đã giảm thấp nhất so với kết quả ghi nhận trong ba quý gần nhất. Khối các nhà cung cấp dịch vụ cũng cho biết mức tăng giá trung bình cũng đã chậm lại so với mức giá của khối ngành sản xuất. Tuy nhiên, chỉ với mức giảm khá khiêm tốn của khối dịch vụ, số liệu mới nhất cho thấy độ chênh lệch về tăng giá giữa hai nhóm ngành đã được thu hẹp đáng kể.
Khi mức tăng giá thành đầu vào giảm đi, các công ty tại các thị trường mới nổi cũng chỉ đưa ra mức tăng thấp nhất trong 3 quý cho đầu ra trong quý II năm 2011. Đi cùng xu hướng điều tiết mức giá, các nhà sản xuất có mức tăng thấp hơn về đầu ra so với các nhà cung cấp dịch vụ. Cả bốn thị trường mới nổi lớn nhất đều ghi nhận tốc độ tăng giá chậm hơn về đầu ra cho cả nhóm ngành sản xuất và dịch vụ.
TTXVN/Tin tức