Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang phủ gam màu xám lên bức tranh kinh tế toàn cầu, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia hàng đầu thế giới về mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 và được dự báo là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất ở châu Á - Thái Bình Dương (khoảng 2,8% năm 2020 và phấn đấu đạt 6,7% vào năm 2021), mang đến cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Canada đang tìm cách mở rộng chuỗi cung ứng ở châu Á.
Trong năm 2019, Việt Nam - đối tác thương mại lớn thứ năm của Canada trên toàn châu Á - đã nhập khẩu một lượng gỗ trị giá khoảng 25 triệu USD từ Canada. Việt Nam đồng thời cũng là nhà cung cấp đồ nội thất lớn thứ tư cho Canada.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Phạm Cao Phong nhấn mạnh 3 yếu tố chính đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Thứ nhất, Việt Nam sở hữu vị trí chiến lược ở trung tâm của Đông Nam Á. Thứ hai, Việt Nam không ngừng tăng cường khuôn khổ pháp lý và thể chế. Và thứ ba, Việt Nam là một thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn với hơn 96 triệu người, trong đó một nửa dân số dưới 35 tuổi và tầng lớp trung lưu không ngừng lớn mạnh.
Việt Nam là một nền kinh tế mở khi tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu (khoảng 517 tỷ USD trong năm 2019) tương đương hơn 200% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ một nhà xuất khẩu nguyên liệu thô thành một nhà sản xuất hàng thành phẩm và bán thành phẩm, cũng như xuất khẩu dịch vụ, trong đó có công nghệ thông tin. Trong khi thương mại thế giới sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng khiêm tốn nhưng tích cực là 0,1%.
Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và hiện là một trung tâm của các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) ở châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam có thể trở thành cầu nối cho hàng hóa và dịch vụ của Canada tiếp cận tới 660 triệu người tiêu dùng trong ASEAN, cũng như tới các thị trường quan trọng khác trong khu vực.
Ngược lại, Canada có thể là cửa ngõ cho các sản phẩm của Việt Nam xâm nhập các thị trường khác của châu Mỹ. Nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồ nội thất của Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu 0% trong khi các sản phẩm tương tự từ các nước khác ở châu Á phải chịu mức thuế 6% - 9% khi vào thị trường Canada.
Đại sứ Phạm Cao Phong nhận định, đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế hiệu quả. Việt Nam coi đây là thời điểm đầy thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn để hợp tác và phát triển kinh tế - thương mại song phương cũng như trên quy mô toàn cầu. Theo Đại sứ, đây là cơ hội để làm tốt hơn, sáng tạo hơn và tăng cường hợp tác, hướng tới mục tiêu chung là tăng trưởng bền vững và thịnh vượng cho Việt Nam và Canada theo tinh thần của khuôn khổ Quan hệ Đối tác Toàn diện được thiết lập cách đây 3 năm.
Ngày càng nhiều các doanh nhân Canada đánh giá mặc dù cách Canada nửa vòng Trái Đất, Việt Nam là một địa điểm đầy hứa hẹn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của "xứ sở lá phong". Canada là quốc gia giàu tài nguyên rừng, sở hữu đến 10% diện tích rừng của thế giới. Trong khi đó, gỗ là một vật liệu tự nhiên khác hẳn các vật liệu khác: chắc chắn, bền, kinh tế và đẹp.
Theo ông Walter Blocker - người đã có hơn 25 năm kinh doanh tại thị trường nội thất ở Việt Nam, Việt Nam đã khẳng định vị thế của một quốc gia nổi bật trong ASEAN về một chính phủ ổn định, là một địa chỉ rất cạnh tranh để tiến hành kinh doanh. Ông Walter Blocker đặc biệt đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của người lao động Việt Nam.
Hội thảo lần này không chỉ cung cấp thông tin cập nhật về môi trường kinh doanh và các cơ hội đối với các doanh nghiệp gỗ của Canada tại Việt Nam, mà còn là dịp để các công ty Canada và nhà cung cấp Việt Nam kết nối trao đổi trực tiếp, tìm hiểu thị trường.