Hướng đến xuất khẩu bền vững: Bài 2: Ưu tiên tăng năng lực, tạo giá trị mới cho DN

Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây tăng cao nhưng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu vẫn còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các ngành chế biến sử dụng nhiều nguồn tài nguyên, ngành chế tạo công nghiệp thấp sử dụng nhiều lao động và sản xuất các cấu kiện công nghệ trung bình. Vì vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc giúp các doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất kinh doanh và tạo ra những giá trị mới để gia tăng xuất khẩu là việc cần ưu tiên hàng đầu.

 

Có thể đáp ứng các đơn hàng lớn

 

Năng lực kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá thông qua nguồn nhân lực, khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường, trình độ quản lý và hệ thống quản lý chất lượng mà doanh nghiệp đang áp dụng cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn. Trên bình diện chung, ảnh hưởng của cuộc suy thoái kép từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã kéo theo việc thiếu vốn nghiêm trọng tại thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam . Do đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp sẽ không được các chuyên gia tính đến mà được tách ra nhằm loại bỏ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hiện nay, sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu được các chuyên gia đánh giá ở mức tốt, vì đã có nhóm người mua phù hợp đang nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam . Vì vậy, tự nó đã có trong kết quả xuất khẩu tính phù hợp của sản phẩm với thị trường, mặc dù có thể là thị trường giá rẻ.

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng cung ứng sản phẩm đáp ứng các đơn hàng lớn tại thị trường mục tiêu từ phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện vẫn tốt. Điều này thể hiện ở kết quả đánh giá năng lực phục vụ đơn hàng lớn ở mức độ tốt là 29,07% và ở mức độ khá là 52,33%. Việc này khác xa với một số luận điểm cho rằng, việc tổ chức sản xuất ở Việt Nam chỉ dừng ở quy mô nhỏ và không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Nguyên nhân của việc này là do trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nếu loại trừ các mặt hàng hoa rau quả thì các mặt hàng khác đều đạt được lợi thế về quy mô số lượng như cà phê, gạo, hạt tiêu, điều; cũng như bên cạnh các ngành có năng lực sản xuất lớn như đồ gỗ, dệt may, da giày là những ngành chủ yếu đã và đang gia công cho các đơn hàng lớn, thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

 

Sản phẩm hạt tiêu của một hộ dân ở huyện Đồng Phú (Bình Phước) chuẩn bị đưa bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

 

Do đặc điểm các ngành sản xuất ở Việt Nam đều là ngành thâm dụng lao động nên tay nghề và đòi hỏi về tay nghề của Việt Nam nặng về hàm lượng lao động cơ học mà không phải lao động trí óc. Nhìn chung, các doanh nghiệp đánh giá cao nguồn nhân công lao động ở Việt Nam là đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Với 12,79% số doanh nghiệp đánh giá tốt và 61,63% đánh giá khá đối với tay nghề và kỹ năng của công nhân đáp ứng được nhu cầu đã phản ánh một thực tế là cơ cấu ngành nghề ở Việt Nam thường phát triển các ngành thâm dụng lao động mà không phải là các ngành thâm dụng tri thức. Có thể điều này tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng việc chuyển đổi sang các ngành mang hàm lượng giá trị gia tăng cao lại là một trở ngại lớn trong tương lai.

 

Theo Cục Xúc tiến Thương mại, năng lực đổi mới sáng tạo kết tinh ở việc không ngừng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới có chất lượng hơn phụ thuộc vào việc đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R&D). Tuy nhiên, việc đầu tư cho R&D ở các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn rất thấp, không doanh nghiệp nào trong số điều tra đầu tư trên 30% lợi nhuận cho R&D. Mức đầu tư phổ biến từ 1-10% lợi nhuận chiếm 42% số doanh nghiệp được điều tra, 39% cho mức đầu tư 11-20% lợi nhuận và 19% cho mức đầu tư 21-30% lợi nhuận. Quản lý chất lượng toàn diện cũng là một phương pháp chú trọng đến quá trình cải tiến liên tục nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của quy trình sản xuất kinh doanh. Các hệ thống chứng nhận là hình thức xác nhận một doanh nghiệp vận hành theo tiêu chuẩn và cách thức nhất định nhằm đạt được hiệu quả cải tiến và đổi mới cũng như năng suất và chất lượng. Việc áp dụng các tiêu chuẩn trong hệ tiêu chuẩn của tổ chức tiêu chuẩn thế giới ISO như ISO 22000, ISO 14000, ISO9001:2000 được nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng, mặc dù điều này không phải là đòi hỏi từ phía nhà nhập khẩu. Một số rào cản kỹ thuật cho việc nhập khẩu chính là các yêu cầu về trách nhiệm xã hội (như SA8000) đối với người lao động và môi trường để đảm bảo doanh nghiệp và hàng hóa đủ điều kiện gia nhập thị trường.

 

Biết tận dụng lợi thế

 

Việc lựa chọn mở rộng hệ thống kênh phân phối được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thực hiện qua các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối, các nhà bán buôn và các đại lý là chủ yếu. Điều này vừa phản ánh năng lực, vừa phản ánh tính chất sản xuất hàng gia công cũng như thiếu kỹ năng và kiến thức cần thiết để thâm nhập thị trường nước ngoài. Điểm nổi bật là các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng lợi thế của Internet để quan tâm hơn đến việc bán hàng qua mạng. Các hình thức xúc tiến khác như bán hàng trực tiếp, bán qua điện thoại hoặc truyền hình… là các hình thức thúc đẩy doanh số bán trực tiếp tại thị trường nước ngoài thì hạn chế áp dụng.

 

Theo nhận xét của các Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài, việc phát triển hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung ở mức trung bình kém. Điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam là bán hàng cho các nhà nhập khẩu nước ngoài, bán cho nhà phân phối nước ngoài, bán cho các nhà buôn nước ngoài và bán cho các đại lý nước ngoài. Bức tranh tương phản rõ nét mà doanh nghiệp Việt Nam bị đánh giá “rất kém” là chưa đủ khả năng tiếp cận và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng (42% rất kém), chưa thể tự mở các cửa hàng lớn tại nước ngoài (62% rất kém), chưa thể mở chuỗi các cửa hàng bán lẻ của Việt Nam (60% rất kém) và ngay cả chưa thể bán thẳng sản phẩm cho hệ thống các siêu thị mà vẫn phải qua nhà buôn trung gian (% rất kém).

 

Tuy nhiên, điểm nổi trội là nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu bán sản phẩm dưới thương hiệu của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận bán với mức giá thấp hơn để có thể sử dụng các thương hiệu Việt Nam thay vì gia công hoặc bán dưới tên thương hiệu nước ngoài thì khoản thu được sẽ thấp hơn so với việc “gia công”. Trong khi đó lại cần một khoản đầu tư để xúc tiến việc bán hàng cho chính các hệ thống siêu thị nước ngoài hoặc các nhà phân phối nước ngoài sản phẩm tên hiệu và nguồn gốc Việt Nam. Đồng thời, nỗ lực xây dựng thương hiệu và hình ảnh này là một nỗ lực dài hạn và cần một khoản đầu tư lớn cho tiếp thị và quảng bá thương hiệu. Điều này dẫn đến thực tế không khả thi do năng lực tài chính và trình độ quản lý của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu nên khó có thể triển khai theo hướng này.

 

Đỗ Thảo Nguyên

Hướng đến xuất khẩu bền vững: Bài 1: Trăn trở chiến lược thâm nhập thị trường
Hướng đến xuất khẩu bền vững: Bài 1: Trăn trở chiến lược thâm nhập thị trường

Trong thời điểm kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, việc tìm ra một chiến lược xuất khẩu phù hợp nhằm tăng giá trị xuất khẩu và để xuất khẩu thực sự mang tính bền vững là điều các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp đang "trăn trở".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN