Các sản phẩm OCOP đang từng bước hiện thực hóa việc nâng cao chất lượng, đảm bảo quy chuẩn, tính chuyên nghiệp của nông sản tỉnh Cao Bằng.
Để tạo ra hai sản phẩm chè là Hồng Trà và Lục Trà được công nhận đạt 3 sao thuộc chương trình OCOP tỉnh Cao Bằng năm 2020, Công ty TNHH Kolia đã hướng đến sự khác biệt của những sản phẩm, sử dụng mô hình trồng, sản xuất trà sạch, an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Bằng việc nâng cao chất lượng, đầu tư cải tiến bao bì, mẫu mã, hai sản phẩm được công nhận đạt ba sao thuộc Chương trình OCOP của Công ty TNHH Kolia không chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia. Sản phẩm Hồng Trà, Lục Trà được thị trường đón nhận đã tạo động lực để thương hiệu chè đặc sản của tỉnh Cao Bằng tiếp tục vươn xa.
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Kolia cho biết, hơn 10 năm trồng, sản xuất, tìm tòi, nghiên cứu và có những biến đổi trong kỹ thuật chế biến chè, trên diện tích hơn 20 ha, hàng năm Công ty TNHH Kolia sản xuất từ 6-7 tấn chè nguyên liệu và chế biến thành hơn 10 sản phẩm chè các loại.
Khi hai sản phẩm Lục Trà và Hồng Trà được chứng nhận OCOP đã tạo đà cho công ty tiếp tục phát triển thương hiệu cho các sản phẩm trà; là đòn bẩy thúc đẩy sản phẩm của công ty tự tin hội nhập vào thị trường lớn ở trong và ngoài nước. Thời gian tới, Công ty TNHH Kolia sẽ tiếp tục tham gia hoàn thiện quy trình kỹ thuật và các tiêu chí OCOP đưa ra để nâng tầm cho sản phẩm.
Lạp sườn, thịt hun khói của Hợp tác xã Tâm Hòa phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng là hai sản phẩm OCOP ba sao của tỉnh Cao Bằng. Có mặt trên thị trường hơn 20 năm, thương hiệu lạp sườn, thịt hun khói của Hợp tác xã Tâm Hòa được đăng ký độc quyền “Lạp sườn - đặc sản Cao Bằng” tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường và đưa hình ảnh món ăn của miền non nước Cao Bằng đi khắp đất nước và vươn xa ra thị trường quốc tế.
Hiện nay, mỗi ngày, Hợp tác xã Tâm Hòa sản xuất hơn 100kg lạp sườn, thịt hun khói thành phẩm, vào những dịp cao điểm, sản lượng có thể lên đến từ 600-700kg/ngày; sản phẩm đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường như: Hà Nội, Thái Nguyên... Việc xây dựng thành công thương hiệu lạp sườn, thịt hun khói, Hợp tác xã Tâm Hòa đã giúp 20 xã viên có nguồn thu nhập ổn định.
Bà Nguyễn Thanh Tâm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tâm Hòa cho biết, Chương trình OCOP của tỉnh Cao Bằng đã giúp sản phẩm của hợp tác xã khẳng định được chỗ đứng chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Khi sản phẩm được công nhận đạt ba sao, nhiều người biết đến sản phẩm đã giúp hiệu quả kinh tế được tăng lên. Thời gian tới, Hợp tác xã Tâm Hòa sẽ phấn đấu để sản phẩm lạp sườn và thịt hun khói được công nhận lên 4 sao.
Hiện nay, Cao Bằng có khoảng 184 sản phẩm có lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm và nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông nghiệp. Qua đánh giá, phân hạng, đã có 24 sản phẩm của hơn 20 chủ thể sản xuất đạt tiêu chuẩn sản phẩm cấp tỉnh từ ba sao. Năm nay, Cao Bằng sẽ tiếp tục xác định 30 sản phẩm OCOP, phấn đấu đến năm 2025 có 5 sản phẩm chủ lực 4 sao cấp tỉnh và 120 đạt 3 sao cấp tỉnh.
Ông Nông Thanh Mẫn Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới, từ nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cao Bằng sẽ bố trí 58,8 tỷ đồng hỗ trợ 63 kế hoạch, mô hình liên kết cấp tỉnh và địa phương; trong đó, hỗ trợ để hình thành các sản phẩm OCOP như: phát triển vùng nguyên liệu, tư vấn xây dựng liên kết sản xuất, hỗ trợ nhãn mác, bao bì sản phẩm...
Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng xác định xúc tiến thương mại là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Thông qua các chương trình tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại sẽ tạo ra cơ hội giao lưu, kết nối cung cầu; đưa sản phẩm OCOP của địa phương lan tỏa rộng rãi trên thị trường, tạo động lực để các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm.
Nhờ các hoạt động xúc tiến, quảng bá giới thiệu, các sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm của tỉnh Cao Bằng cũng sẽ được đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại, từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng
Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng vận động người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các cơ quan quản lý nhà nước làm tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy các giá trị sản phẩm đã được bảo hộ; có kế hoạch, chính sách cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của địa phương.