Huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển nhanh hạ tầng giao thông

Ngành giao thông vận tải có vị trí quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống hàng ngày của người dân.

Người dân luôn kỳ vọng vào chương trình hành động của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới nhằm tiếp tục xây dựng phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ, thuận lợi, hiệu quả và an toàn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa.

Bộ trưởng có thể cho biết những thành tích nổi bật của ngành giao thông vận tải trong năm 2016. Những điểm còn hạn chế và giải pháp khắc phục?

Năm 2016 là năm đặc biệt quan trọng, không chỉ là năm đầu triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020, mà còn là năm đầu tiên cả nước triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII vào cuộc sống. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra cho ngành giao thông vận tải là tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngay từ đầu năm, toàn ngành giao thông vận tải - lĩnh vực luôn tiên phong “đi trước mở đường” - đã nhanh chóng bắt tay thực hiện nhiệm vụ với nỗ lực cao nhất và đạt được những kết quả tích cực trên 6 nhóm lĩnh vực. Cụ thể, đó là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được quan tâm, nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp theo là tổ chức đối thoại, tiếp xúc, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải phát triển, giúp cho sản lượng vận tải năm 2016 tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được nâng lên.

Về công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường quản lý, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án thực sự cấp thiết, các dự án mang tính kết nối, thúc đẩy phát triển vùng. Đặc biệt công tác quyết toán các dự án hoàn thành được chỉ đạo và thực hiện với quyết tâm cao, hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra. Cùng với đó, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp tục được triển khai hiệu quả; nhất là đối với các Tổng công ty lớn và các đơn vị sự nghiệp công.
 
Về cải cách hành chính, tiếp tục được ngành triển khai hiệu quả, nhất là việc kịp thời triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, về công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, đã phát hiện và kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những bất cập về cơ chế chính sách; xử lý về kinh tế, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ngành giao thông vận tải.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng năm qua ngành giao thông vận tải vẫn còn không ít lĩnh vực, công việc bộc lộ bất cập và chưa đạt được mục tiêu mong muốn.

Lĩnh vực đầu tiên mà chúng tôi thấy không hài lòng chính là vẫn còn có không ít quy định tại một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn cần được kịp thời điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn công tác quản lý nhà nước và nhu cầu, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ trọng tăng trưởng giữa các loại hình vận tải không đồng đều, hàng không và đường bộ tăng mạnh nhưng hàng hải và đường thủy nội địa tăng không đáng kể, sản lượng đường sắt giảm so với năm 2015 cho thấy công tác tái cơ cấu tổng thể ngành giao thông vận tải chưa đem lại kết quả như mong đợi.
 
Một lĩnh vực cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa là công tác đảm bảo an toàn giao thông. Tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm trong các năm qua và cả năm nay. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn có diễn biễn phức tạp, ở nhiều địa phương không đạt được mức giảm tai nạn giao thông từ 5-10%, số người chết do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.

Việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức xã hội hóa vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc kêu gọi các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam theo hình thức PPP (hợp tác công – tư). Có thể nói, việc huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn phát triển. Giải quyết được vấn đề này thì ngành mới có đủ nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa kiểm tra tiến độ thi công tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn). Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Trong năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm nào, thưa Bộ trưởng?

Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, năm đầu triển khai các nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua như Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020...

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, ngay từ đầu năm 2017, Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ cụ thể sau. Thứ nhất là tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật gắn với công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu quả thực thi. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó trình Quốc hội thông qua Luật Đường sắt. Huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển nhanh hạ tầng giao thông.

Thứ hai là quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng các công trình, dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng mọi nguồn vốn đầu tư. Trong đó, về đường bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn dư của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư trước các dự án cấp bách, dự án mang tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đồng thời, tập trung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam để trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, với việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế riêng, đặc thù để huy động các nguồn lực, sớm triển khai dự án. Về hàng không, ngành sẽ khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Hoàn thành dự án Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ Hội nghị APEC 2017. Tập trung giải quyết tình trạng quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, chú trọng việc điều chỉnh quy hoạch, sớm triển khai các dự án mở rộng cảng và cải thiện các tuyến đường kết nối với cảng.

Về hàng hải, đường thủy nội địa, ngành đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án cảng Lạch Huyện, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; hoàn thành các dự án: WB5, WB6, luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc.... Đồng thời, hoàn thành thủ tục để sớm triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, Giai đoạn 2 dự án Kênh Chợ Gạo là những công trình rất cấp thiết đối với sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Về đường sắt, ngành sẽ tập trung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Cân đối đầu tư hợp lý để khai thác có hiệu quả hơn nữa các tuyến đường sắt hiện tại, đặc biệt là đường sắt Bắc - Nam. Ngành cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn cũng như thực hiện quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Song song với đó, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng, ngành giao thông vận tải cần làm gì để xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới?

Xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là một trong những ưu tiên của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, việc tiếp tục huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước cũng gặp khó khăn nên việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo tinh thần của Nghị quyết số 13/NQ-TW của Đảng thực sự là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông vận tải.
 
Bộ Giao thông Vận tải xác định cần phải có những giải pháp đồng bộ từ việc phải hoàn thiện thể chế, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng và hiệu quả hơn, có cơ chế, chính sách và cách thức thực hiện phù hợp, bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, đồng thời phải công khai, minh bạch để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Để các dự án phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư, Bộ sẽ tiến hành rà soát xem những dự án nào sẽ phải điều chỉnh, dự án nào phải dừng, giãn. Các dự án được lựa chọn triển khai phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển, thực sự hiệu quả, hỗ trợ cho việc tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy được lợi thế của các loại hình vận tải chi phí thấp, thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội những chủ trương, chiến lược lớn để thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu tổng thể ngành giao thông vận tải đã được phê duyệt. Tất cả quá trình này sẽ được tiến hành, công khai, minh bạch để nhân dân, các nhà đầu tư, nhà tài trợ cũng như toàn thể xã hội cùng biết và đồng thuận với Bộ Giao thông Vận tải.
 
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Quang Toàn (TTXVN)
Mất cân đối trong đầu tư giao thông vận tải
Mất cân đối trong đầu tư giao thông vận tải

Hiện nay, vận chuyển đường bộ vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trong hệ thống giao thông Việt Nam. Việc điều chỉnh xây dựng hệ thống giao thông hợp lý, đồng bộ chính là chìa khóa thúc đẩy phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức, từ đó làm giảm chi phí dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN