Đồng thời, đẩy mạnh kết nối mạng lưới "đổi mới sáng tạo” nhằm huy động tối đa nguồn lực chất xám đảm bảo Việt Nam thành công trong thực hiện chiến lược tiếp cận và tận dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Chung Quỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cùng với các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Với định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt Nam, thử nghiệm các công nghệ mới trước khi ứng dụng rộng rãi, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Khác với các Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hình thành khu riêng tập trung cho nghiên cứu và triển khai (R&D) - đây được coi là "trái tim" của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Cũng theo ông Nguyễn Chung Quỳnh, cần huy động tối đa nguồn lực trí tuệ, đặc biệt từ các chuyên gia, trí thức người Việt Nam được đào tạo, nghiên cứu, làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển trên thế giới.
Buổi gặp gỡ, trao đổi với 100 trí thức trẻ người Việt ở trong và ngoài nước là cơ hội tốt để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các Tập đoàn công nghệ của Việt Nam như: FPT, Viettel, VNPT... trao đổi, thúc đẩy các cơ hội hợp tác, thu hút nhân tài, phát triển công nghệ, tạo lập diễn đàn kết nối mạng lưới các nhà khoa học trí thức Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ, trao đổi, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tin tưởng, với những hỗ trợ của các bộ, ngành cũng như tiềm năng, thế mạnh phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, của các Tập đoàn công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cùng với nhiệt huyết, tài năng, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt sẽ tạo nhiều cơ hội hợp tác, phát triển thời gian tới, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của nền khoa học và công nghệ đất nước.
Các tri thức trẻ người Việt cũng được nghe đại diện Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn FPT giới thiệu về những công nghệ và sản phẩm tiêu biểu mà các tập đoàn đang nghiên cứu phát triển, cũng như những đề xuất trong hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm với các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học.
Ngược lại, các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt đã cùng trao đổi, chia sẻ về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, công nghệ trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật... cũng như đề xuất các giải pháp, khả năng hợp tác, kết nối trong nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm.
Trao đổi về những bài toán lớn trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình bày tỏ mong muốn 100 nhân tài tham gia cùng FPT đưa ra lời giải hiệu quả cho các bài toán này.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng tiên phong chuyển đổi số của Việt Nam, Việt Nam không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt. Các tài năng trẻ của Việt Nam có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu trong các ngành, các doanh nghiệp công nghệ như FPT có các dự án, các bài toán ứng dụng xu hướng công nghệ mới nhất vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức.
Sự hợp lực của hai bên sẽ tạo nên sức mạnh vô giá để Việt Nam khai thác các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, trở thành quốc gia tiên phong chuyển đổi số và tham gia chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới.