Huy động vàng trong dân: Không dễ

Trước thông tin đề án huy động vàng trong dân sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đệ trình lên Chính phủ vào quý II/2012, nhiều ngân hàng mong chờ đề án này sẽ sớm được phê duyệt và đã quyết định tăng lãi suất huy động vàng lên đến 3%/năm để đón đầu. Thế nhưng, trái ngược với sự mong chờ của các ngân hàng, phần lớn người dân lại tỏ ra không mặn mà.

Vàng còn nhiều trong dân

Theo đề án của NHNN, việc huy động vàng trong dân giúp tận dụng nguồn lực vốn có sẵn để đưa vào nền kinh tế, vừa hướng tới quản lý tốt hơn thị trường vàng. Bởi hiện nay, lượng vàng trong dân tương đối lớn, theo ước tính khoảng 300 - 500 tấn.

Lượng vàng trong dân lớn, nhưng không dễ huy động.


Khẳng định vàng còn nhiều trong dân, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) dẫn chứng: Qua 21 năm hoạt động, đến hết năm 2011, SJC đã cung ứng ra thị trường tương đương 783 tấn vàng, giá trị 20 tỷ USD. Nếu trừ số vàng xuất lậu qua biên giới, vàng để sản xuất nữ trang, lượng vàng trong dân ước còn khoảng 500 tấn, tương đương 400.000 tỷ đồng. Con số này phù hợp với thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới.

Cũng theo ông Dũng, đây là nguồn vốn rất lớn, vì thế thay vì nhập vàng, cần có đề án huy động vàng trong dân để chuyển đổi thành tiền đồng, cung ứng cho nền kinh tế với lãi suất ổn định. Đồng thời, việc kiểm soát thị trường vàng sẽ giúp kìm hãm sự biến động của USD, giảm áp lực tăng tỉ giá. Thực tế, lâu nay thị trường vàng Việt Nam không theo quy luật nào. Cụ thể, nếu giá vàng thế giới nhích một chút thì giá trong nước đã tăng lên cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng/lượng. Điều này đã kích thích việc gom USD chợ đen nhập lậu vàng về nước, đẩy giá USD biến động.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Đỗ Chí, người từng là chuyên gia viên cao cấp của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), vấn đề vướng mắc không phải vàng tồn trong dân nhiều hay ít, mà là có dễ huy động vàng trong dân hay không, và liệu đề án này có khả thi hay không. Thực tế, việc huy động vàng trong dân đã được các ngân hàng thực hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, do năm 2010 và 2011, giá vàng biến động quá lớn dẫn đến việc “căng thẳng” thị trường vàng. Vì thế, việc huy động và cho vay vàng tạm thời dừng lại.

Không dễ huy động

Theo đề án huy động vàng của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Cụ thể, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các TCTD. Ngoài ra, NHNN cũng cam kết bảo toàn giá trị tài sản của người dân, bảo hiểm rủi ro khi có biến động giá. Theo đó, khi người dân gửi vàng, ngân hàng sẽ cấp một chứng chỉ vàng để chứng nhận số vàng đã gửi, chứng chỉ này có thể sử dụng để thế chấp, mua bán và trao đổi trên thị trường. Khi cần vàng, người dân mang chứng chỉ ấy đến ngân hàng và được trả lại bất cứ lúc nào.

Thế nhưng, phần lớn người dân lại chưa mặn mà với việc gửi vàng tại các ngân hàng. Anh Quang Huy, trú tại quận 9 (TP.HCM) cho biết: “Vàng được xem là tài sản tích lũy chứ không phải là đầu cơ. Chính vì vậy, tâm lí của tôi là thích cất giữ vàng trong nhà hơn là mang đi gửi ngân hàng. Thực tế, khi mang vàng đi gửi phải mất nhiều thủ tục, chưa kể lãi suất thấp và khi cần thì không thể dễ dàng lấy ra sử dụng”.

Theo các chuyên gia, huy động vàng trong dân là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, để thay đổi tâm lý của người dân không thể một sớm, một chiều. Vấn đề quan trọng là phải tạo dựng được lòng tin của dân khi gửi vàng. Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng nên sớm phát hành chứng chỉ vàng. Với chứng chỉ vàng trong tay, người dân có quyền trao đổi, giao dịch vàng bất cứ lúc nào. Và khi cần, cũng có thể rút vàng tại hệ thống ngân hàng bằng chứng chỉ đó mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Có như vậy, người dân mới có thể thay đổi được thói quen, tâm lý giữ vàng làm tài sản phòng thủ.

Tuy nhiên, ông Lê Hùng Dũng lại đề xuất, phải giải quyết vấn đề bằng lãi suất. Hiện nay, lãi suất huy động vàng rất thấp, chỉ khoảng 2 – 3%/năm, không hấp dẫn người dân gửi vàng. Nhưng nếu tăng lãi suất lên cao hơn, phải tính đến mức độ rủi ro. Theo ông Dũng, với 500 tấn vàng tồn được huy động, nếu NHNN chưa làm gì để sinh lợi mà vẫn phải trả lãi cho người dân sẽ là gánh nặng cho các nhà quản lý. Giải quyết được mâu thuẫn này thì mới huy động được lượng vàng khổng lồ đang nằm im trong dân.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí bày tỏ lo ngại với đề án huy động vàng trong dân. Ông Chí cho rằng, vấn đề không phải nằm ở lãi suất mà sự biến động bất thường của thị trường vàng. Thực tế cho thấy, chưa có nước nào trên thế giới áp dụng hình thức này. Bởi nếu giá vàng tăng cao đột biến, người dân kéo đến rút vàng, liệu NHNN có đủ tiền mua lại vàng để trả lại cho dân. Thống kê 40 năm qua (từ năm 1971 đến 2011) cho thấy, giá vàng đã tăng lên 54 lần và chưa bao giờ dừng lại. Theo dự báo của các chuyên gia thế giới, vàng sẽ ở mức giá 2.000 - 2.100 USD/ounce khoảng năm 2012 - 2013.

Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN