Để tiếp tục thực hiện mạnh mẽ giải pháp đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng vào 10 giờ sáng ngày mai (thứ Ba, 23/4); đồng thời thông báo rộng rãi đến các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp đủ điều kiện để đăng ký dự thầu và đặt cọc ngay trong ngày thứ 2 (ngày 22/4).
Trước đó, dư luận và giới đầu tư rất “ngóng” thông tin NHNN sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào hôm nay (ngày 22/4) tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước – NHNN. Hình thức đấu thầu là theo giá. Tổng khối lượng vàng miếng đấu thầu 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.
Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Giá tham chiếu đặt cọc là 81,80 triệu đồng/ lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng. Khối lượng tối đa được phép đặt thầu là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng. Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.
Trong trường hợp NHNN không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của NHNN, cơ quan này quyết định hủy kết quả thầu. TCTD tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Quyết định số 563/QĐ-NHNN ngày 18/3/2013 ban hành Quy trình về mua, bán vàng miếng của NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan.
Đối với chính sách đối với thị trường vàng trong nước thời gian tới, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối – NHNN cho biết: NHNN đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị định 24, đã lấy ý kiến các Bộ, ngành. NHNN đã trình Chính phủ chủ trương là nên sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.
Đề cập về giải pháp sẽ tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường, nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng: Đây chỉ là giải pháp tình thế.
“Mức giá trúng thầu dự kiến thấp hơn giá thị trường hiện nay nhưng tôi cho rằng, sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Do vậy, giải pháp đấu thầu vàng chỉ là tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo”, TS Đinh Thế Hiển cho biết.
Kể từ khi Nghị định 24 ra đời, thị trường vàng không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng. Cầu tăng trong khi cung không có, nên chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, việc đầu tư, tích trữ vàng là nhu cầu chính đáng của người dân. “Tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu? Muốn như vậy, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng. Từ đó, có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam.
Đây cũng là cơ sở để NHNN cấp quota (hạn ngạch) cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nhằm tăng nguồn cung. Đều đặn bổ sung nguồn cung như vậy, chênh lệch cung cầu, chênh lệch giá vàng sẽ giảm dần”, chuyên gia Đinh Thế Hiển đề xuất.