Sát dân, gần dân, hỗ trợ người dân làm ăn – đó là công việc hàng ngày của cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội để giúp dân vay vốn, phát triển sản xuất giảm nghèo. Nguồn vốn này là đòn bẩy giúp người dân các huyện miền núi Nghệ An phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
Trước đây, gia đình chị Ngân Thị Quế thuộc diện hộ gia đình nghèo ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Qua bình xét của tổ tiết kiệm vay vốn Chi hội phụ nữ bản, năm 2019, chị được xét cho vay hộ cận nghèo 50 triệu đồng.
Tận dụng lợi thế về đất đai, chị mạnh dạn tiên phong đầu tư trồng 400 trăm gốc thanh long. Không phụ công người chăm sóc, vườn thanh long của chị ngày càng tốt tươi, trĩu quả, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không những thế chị còn cung cấp cây giống, chia sẻ kỹ thuật trồng và tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ trong xã cùng thực hiện, ổn định cuộc sống.
Chị Ngân Thị Quế vui mừng nói: "Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, muốn làm cũng không có vốn. Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng giờ đây cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn nhiều, có nguồn thu nhập và nuôi được con cái ăn học. Thời gian tới, tôi muốn mở rộng thêm diện tích trồng thanh long, các loại cây ăn quả trên đồi và mở rộng chăn nuôi trâu bò, vươn lên làm giàu".
Thay vì làm việc tại văn phòng, mỗi tháng nhân viên Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Con Cuông vượt hàng chục cây số để đến tận các xã hướng dẫn người dân vay vốn. Để sử dụng hiệu quả đồng vốn, nhân viên ngân hàng còn hướng dẫn các hộ dân cách chi tiêu, đầu tư phát triển sản xuất. Ngân hàng cũng phối hợp với chính quyền địa phương quản lý nguồn vốn chặt chẽ nên vốn đều đến tay đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả. Tính đến tháng 8/2021, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Con Cuông là 473 tỷ đồng đã hỗ trợ cho 10.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn.
“Mặc dù chưa giàu nhưng gần 500 hộ trên địa bàn huyện đã viết đơn xin thoát ra hộ nghèo trong thời gian qua. Đây là ý thức của người dân; trong đó nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã góp phần cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và có nhiều mô hình kinh tế điển hình”, ông Nguyễn Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Con Cuông cho biết.
Là huyện miền núi còn khó khăn, đồng vốn đến với người nghèo còn mang theo cả sinh kế. Rời miền Nam để về quê lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Đặng Đình Huy, bản Kim Tiến, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn nhận được hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Anh Sơn với mức vay vốn 50 triệu đồng. Vợ chồng anh đã đầu tư cây, con giống phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả.
Chăm chỉ, chịu khó nghiên cứu kỹ thuật trồng các loại cây ăn quả phù hợp với chất đất cũng như phòng trừ sâu bệnh, hơn 500 gốc ổi, cam, bưởi, táo, mít của gia đình anh cho sản phẩm chất lượng ngọt, thơm, năng suất cao được thương lái đến thu mua tại vườn. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn chăn nuôi hàng chục con bò vỗ béo và lợn thịt.
"Thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục được vay vốn để đầu tư thêm trang trại, mở rộng diện tích trồng keo kết hợp với chăn nuôi bò vươn lên làm giàu”, anh Đặng Đình Huy cho biết.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phúc Sơn từ năm 2020 – 2025, hàng năm phấn đấu giảm tỷ lệ 1% hộ nghèo, chính quyền địa phương xác định nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội là một trong những giải pháp góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn xã. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, Hội Khuyến nông mở các lớp đào tạo dạy nghề để hướng dẫn người dân cách thức sử dụng, quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn tốt nhất.
“Để giảm số hộ nghèo từ 1 – 1,5%, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân phát triển các mô hình kinh tế như chăn nuôi, kinh tế trang trại, trồng trọt; phân công cán bộ chỉ đạo trực tiếp tới các thôn bản, hộ gia đình; hỗ trợ các gia đình quy hoạch, cây giống, kỹ thuật, xây dựng các vườn mẫu để nhân rộng”, ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn cho biết.
Nguồn vốn đúng đối tượng, đúng mục đích
Đóng vai trò là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần lớn trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 12,1% năm 2016 giảm xuống còn 4% năm 2020.
Đến tháng 9/2021, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 2.264 tỷ đồng, với 52.677 khách hàng được vay vốn. Để tiếp tục cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền phổ biến chính sách cho vay của ngân hàng đến các đối tượng.
“Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cũng chỉ đạo ngân hàng cấp huyện thường xuyên điều chỉnh nguồn vốn từ các chương trình chưa có nhu cầu sang các chương trình có nhu cầu theo quy định để giải ngân kịp thời cho các đối tượng. Ngân hàng cũng tiếp tục tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp phối hợp tốt với Hội ủy thác các cấp để kiểm tra đối với hộ vay vốn, tổ tiết kiệm vay vốn và hoạt động ủy thác của các cấp hội. Từ nguồn vốn của ngân hàng phối hợp với các hội khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hướng dẫn khách hàng sử dụng vốn có mục đích, hiệu quả để góp phần xóa đói giảm nghèo”, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An khẳng định.
Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả nguồn vốn vay cũng như nâng cao đời sống, kinh tế của người dân, ông Vinh đề nghị chính quyền địa quan tâm đến quy trình cho vay từ xác định đối tượng, cho vay, hỗ trợ cũng như định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, các địa phương nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; ưu tiên đưa các dự án phát triển kinh tế về các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao.