Tuy nhiên, IEA cũng cho biết việc các nước đang sử dụng dầu mỏ nhiều hơn trong hoạt động sản xuất điện vì khí đốt tăng giá đã phần nào giúp kiềm chế đà giảm nhu cầu dầu mỏ.
IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ tăng thêm 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm nhẹ so với mức dự báo 2,1 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó. Tổng nhu cầu ước tính đạt mức 99,7 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và sẽ phục hồi về mức 101,8 triệu thùng/ngày như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát nếu Trung Quốc mở cửa trở lại.
Trong báo cáo tháng mới nhất về nhu cầu dầu mỏ thế giới, cơ quan trên cho rằng môi trường kinh tế ngày càng suy thoái và việc nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc liên tục phải áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa cũng ảnh hưởng đến động lực tăng tiêu thụ dầu mỏ. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới nên nếu các hoạt động kinh tế tại nước này chậm lại cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu thế giới.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của Nga tiếp tục được IEA đánh giá ở mức ổn định, chỉ giảm từ 400.000-450.000 thùng/ngày so với trước khi xung đột Ukraine nổ ra kéo theo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva, trong đó có hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.
Việc Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác đã giúp giảm thiểu thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của phương Tây vốn khiến lượng dầu xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm nay. Theo IEA, khi biện pháp của Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô của Nga có hiệu lực từ tháng 12, mức giảm trên sẽ sâu hơn.