Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông đang diễn ra ở thành phố Vladivostok, Bộ trưởng Shulginov nhận định nhiều khả năng châu Âu sẽ không thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027. Theo ông, giá giao ngay hiện nay cho thấy việc độc lập với nguồn cung khí đốt của Nga "không hề đơn giản". Mùa Đông sắp tới sẽ là minh chứng thực tế cho việc từ bỏ hoàn toàn nguồn khí đốt của Nga. Châu Âu khó có thể dựa vào đối tác nào ngoại trừ Mỹ, quốc gia đang mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Bộ trưởng Năng lượng Nga cũng cho biết trong năm nay, nước này rất có thể sẽ giảm sản lượng dầu khoảng 2%, trong khi hãng tin TASS đưa tin sản lượng khai thác khí đốt có thể giảm 7%.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị trực tuyến với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+), Thứ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã phản đối kế hoạch của G7 về việc áp giá trần dầu mỏ của Nga. Theo ông, điều này sẽ gây ra tình trạng "mất ổn định" trên thị trường toàn cầu. Thứ trưởng Năng lượng Nga cho biết giới chức nước này tiến hành họp hằng tháng để đề xuất các giải pháp hợp lý nhất cho thị trường.
Trước đó, ngày 2/9, các nước G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, tuyên bố sẽ "khẩn trương" áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga, nhằm hạn chế việc Moskva thu lợi từ giá năng lượng cao. Hiện các nước G7 cũng đã hạn chế hoặc ngừng mua xăng dầu của Nga.
Phản ứng trước kế hoạch trên, ngày 5/9, Điện Kremlin cảnh báo sẽ có "các biện pháp đáp trả" kế hoạch của G7. Trước đó, Điện Kremlin cũng khẳng định Nga sẽ ngừng bán dầu cho những nước áp giá trần đối với tài nguyên năng lượng của Nga, biện pháp mà Moskva cho là sẽ gây bất ổn lớn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 5/9, tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga cho biết nhà chức trách nước này đã cảnh báo về việc trạm nén khí Portovaya, vốn đóng vai trò đẩy khí đốt sang Đức theo đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, không còn đáp ứng các yêu cầu an toàn.
Trước đó, ngày 2/9, Gazprom thông báo đã phát hiện rò rỉ động cơ trong tuabin duy nhất còn đang hoạt động tại trạm Portovaya và sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho đến khi sự cố được sửa chữa. Trích dẫn thông tin của Siemens Energy - công ty tiến hành bảo trì các tuabin của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, Gazprom cho biết chỉ có công ty sửa chữa chuyên nghiệp mới có thể khắc phục các nguyên nhân gây rò rỉ dầu.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), có trụ sở ở Phần Lan, cho biết doanh thu từ việc xuất khẩu năng lượng của Nga trong 6 tháng qua đạt mức rất cao, lên tới 158 tỷ USD, trong đó 50% số tiền này đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU).
Theo CREA, giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao đồng nghĩa với doanh thu hiện tại của Nga cao hơn nhiều so với các năm trước, cho dù lượng xuất khẩu giảm. Giá khí đốt tự nhiên gần đây đã tăng lên mức kỷ lục ở châu Âu do Nga cắt giảm nguồn cung.
Theo CREA, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã đóng góp khoảng 43 tỷ USD cho ngân sách liên bang của Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột với Ukraine. Trong giai đoạn này, EU là nhà nhập khẩu hàng đầu nhiên liệu hóa thạch của Nga, với 85,1 tỷ USD. Tiếp theo là Trung Quốc với 34,9 tỷ USD và Thổ Nhĩ Kỳ với 10,7 tỷ USD.