Để tăng cường mối quan hệ hợp tác hỗ trợ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cần tạo kênh thông tin để 2 bên thấu hiểu lẫn nhau. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp nặng ở Việt Nam chuyên cung cấp các thiết bị phục vụ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mới đây, ông Yeon In Jung, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) đã ghi nhận rằng, đến cuối năm 2016, Doosan Vina đã xuất sản phẩm tới hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, với tổng giá trị hơn 1,21 tỷ đô la Mỹ (USD); riêng trong năm 2016 là 200 triệu USD.
Điều quan trọng là trong năm 2016, Doosan Vina đã xuất gần 22.000 tấn các thiết bị cơ sở hạ tầng mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”, nâng tổng trọng lượng xuất khẩu các sản phẩm, mặt hàng của người Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất từ trước tới nay lên hơn 349 nghìn tấn.
Mừng là vậy, song theo báo cáo đánh giá của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thì chỉ mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa đáng kể so với Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%.
Mấu chốt của thực trạng này liên quan tới hiệu quả kết nối giữa các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với cộng đồng doanh nghiệp trong nước; trong đó, khu vực doanh nghiêp nhỏ và vừa chiếm đại đa số.
Phân tích những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Fred Burke, Trưởng Nhóm Công tác về Đầu tư và Thương mại thuộc Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam góp mặt chưa nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu là do những trở ngại về các quy định thương mại hiện hành đang khiến doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn trong xuất khẩu. Những yêu cầu về thủ tục kinh doanh liên tục thay đổi đã thêm gánh nặng giấy tờ đối với các doanh nghiệp. Nhiều quy định hải quan đã ngày càng minh bạch hơn; các quy định về thuế hay ưu đãi trong giao dịch kinh doanh xuất nhập khẩu, áp thuế giá trị gia tăng… cũng đã được đơn giản hóa, song vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
Quy định điều chỉnh về văn phòng đại diện của các doanh nghiệp cũng làm ảnh hưởng tới khả năng liên kết của các nhà cung cấp trong nước với thị trường toàn cầu. Cuối cùng là vấn đề an ninh mạng cùng những quy định mới nhiều khả năng sẽ hạn chế sự tham gia của Việt Nam vào nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu đang bùng nổ.
Ông Fred Burke còn nhấn mạnh, cốt yếu nhất là các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính toàn cầu cho những hoạt động trong chuỗi cung ứng, bởi phải chịu áp lực chi trả các chi phí không chính thức mà về bản chất là không hề minh bạch.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, sự thiếu minh bạch là một trong những lý do khiến 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bị từ chối khi tìm kiếm nguồn vốn hoạt động trong chuỗi cung ứng, so với chỉ 10% các tập đoàn đa quốc gia. Hiểu cách khác là nếu quy trình và thủ tục hành chính càng minh bạch bao nhiêu thì các doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính, cũng như ký được các hợp đồng cần thiết để tham gia một cách thuận lợi vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ chính những thực tế của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, ông Ryu Hang Ha, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam nhận định, trong chuỗi cung ứng các sản phẩm cơ khí để xuất khẩu, phải công nhận thực lực của những doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam còn hạn chế, chất lượng sản phẩm làm ra không đồng đều. Nhiều khi doanh nghiệp FDI sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao công nghệ, song còn tùy thuộc vào năng lực tiếp thu và trình độ tay nghề của người lao động và doanh nghiệp trong nước.
Để cải thiện mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng toàn cầu là mối quan tâm chung lớn nhất hiện nay của Chính phủ, các cấp ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lẽ, khi gây dựng được khu vực kinh tế trong nước lớn mạnh, các doanh nghiệp FDI cũng sẽ được hưởng lợi, khi tiếp cận được thị trường lớn hơn trong nước để tăng doanh thu; đồng thời, có thể mua được nhiều hơn từ chuỗi cung ứng trong nước để giảm chi phí và tăng độ tiện dụng. Ông Han Dong Hee, Chủ tịch, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, để tăng cường mối quan hệ hợp tác hỗ trợ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cần tạo kênh thông tin để 2 bên thấu hiểu lẫn nhau; đồng thời thành lập một cơ quan giúp kết nối các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để dễ dàng tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Thậm chí, có thể tính tới một Ủy ban hợp tác đầu tư để cung cấp thông tin về các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiềm năng ở trong nước dành cho các doanh nghiệp FDI trước khi đưa ra những tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.
Cùng với đó, cần có một chính sách để lựa chọn, khuyến khích và quảng bá các doanh nghiệp FDI đã tích cực hợp tác với doanh nghiệp trong nước; biểu dương họ vì đã mua phụ tùng, hàng hóa trung gian tại Việt Nam đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời giải quyết một số khúc mắc còn tồn tại liên quan tới giảm khó khăn khi nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng hay nới lỏng quy định về thuế nhập khẩu đối với máy móc cho doanh nghiệp chế xuất sử dụng dưới hình thức cho thuê tài chính…
Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp FDI mua hàng hóa từ các doanh nghiệp trong nước thì việc chào bán hàng hóa chất lượng với giá cả cạnh tranh là vấn đề quan trọng nhất. Nhưng cũng không dễ để giải quyết vấn đề này trong một sớm một chiều, ông Han nhấn mạnh.
Theo ông Han, cũng như doanh nghiệp FDI đến từ nhiều quốc gia và khu vực khác, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để cùng các đối tác trong nước vượt qua trở ngại; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.