Từ kết nối tiêu thụ nông sản
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, sản lượng bình quân mà 89 đơn vị đề nghị hỗ trợ tiêu thụ là rau 128,33 tấn/ngày, trái cây 184,3 tấn/ngày, thịt gà 64,98 tấn/ngày, thịt heo 118,7 tấn/ngày, trứng cút 354.000 quả/ngày, trứng gà 30.700 quả/ngày và sản phẩm thủy sản 14 tấn/ngày.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã thống kê danh sách cụ thể các địa điểm cần hỗ trợ, cập nhật các thông tin địa chỉ rõ ràng đăng tải trên các cơ quan báo đài và gửi trực tiếp đến các hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, kết quả đã giúp kết nối tiêu thụ được cho một số đơn vị như Hợp tác xã Rau sạch Tân Yên đã kết nối tiêu thụ với các điểm bình ổn giá, hệ thống bán lẽ như Big C, Coopmart, các điểm từ thiện,... trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 15 tấn rau các loại.
Hợp tác xã rau sạch Trường An mỗi ngày cung cấp cho các hệ thống siệu thị như Bách hóa Xanh, Vinmart, Coopmart, điểm phân phối bán bình ổn giá, trung bình mỗi ngày cung cấp khoảng 25 tấn rau, củ quả các loại. Hợp tác xã nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát đã hỗ trợ bán gà với giá thành 7.000 đồng/kg cho các tổ chức từ thiện mua đi ủng hộ các người dân gặp khó khăn và còn còn kết nối với nhau thuộc nhiều đơn vị khác.
Đến hỗ trợ người khó khăn
Theo ông Cao Tiến Sỹ, giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, đặc biệt là những lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, lao động tự do, lao động hợp đồng thời vụ; những nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không tiêu thụ được hàng hóa.
Ngày 9/7/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai thành lập ngay Tổ hỗ trợ phòng chống COVID-19, do ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở làm tổ trưởng, các tổ phó và thành viên là lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc. Với mục tiêu của Tổ là kêu gọi, huy động, tập hợp các nguồn lực xã hội trong và ngoài tỉnh để chung tay, hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ nông sản đang vào kỳ thu hoạch như chôm chôm, thanh long, chuối và các loại hàng hóa rau, củ quả, heo, gà... cho các doanh nghiệp, nhà vườn, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, góp phần bình ổn giá, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng.
Chương trình hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai với tên gọi “Nông nghiệp Đồng Nai đoàn kết, chia sẻ phòng chống dịch COVID-19”. Đối tượng hỗ trợ mà chương trình hướng đến, trước tiên là những hộ gia đình nghèo, neo đơn, yếu thế có hoàn cảnh khó khăn trong các khu vực bị phong tỏa, khó tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm; các bếp ăn phục vụ người dân trong khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bếp ăn phục vụ lực lượng y, bác sỹ làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch.
Khởi động Chương trình, ngày 12/7/2021, “những chuyến xe nghĩa tình” đã lên đường trao cho Uỷ ban Mặt trận huyện Thống Nhất hơn 1 tấn hàng hóa gồm các nhu yếu phẩm như gạo, trứng, mỳ, đường, bột ngọt, nước mắm... trị giá hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ cho bà con khó khăn đang trong vùng phong tỏa COVID-19 của 5 xã: Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3, Gia Kiệm, Quang Trung thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Để chia sẻ bớt những khó khăn của người dân nghèo TP Hồ Chí Minh trong những ngày đầu thực hiện lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16. Ngày 14/7/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh và Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh đã gửi 5 chuyến xe tải, chở hơn 10 tấn rau củ quả, 10 ngàn quả trứng gà và xúc xích, trị giá hơn 240 triệu đồng để phân phát cho ba con tại các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đang bị phong tỏa.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ thường xuyên thực phẩm như: gạo, gà, chả lụa, rau củ cho một số bếp ăn bệnh viện, bếp ăn dã chiến, các điểm trực chốt phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 nhằm tăng thêm khẩu phần ăn cho lực lượng nơi tuyến đầu, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19...
Sau hơn 1 tháng triển khai hỗ trợ liên tục, không ngừng nghỉ, kể cả những ngày thứ bảy và chủ nhật, với sự nỗ lực của tập thể công chức, viên chức, người lao động của ngành, chương trình thiện nguyện Nông nghiệp Đồng Nai đoàn kết, chia sẻ phòng chống COVID-19 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã nhận được sự đóng góp về tinh thần cũng như vật chất của các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với số lượng trên 300 tấn nhu yếu phẩm, cụ thể: trên 200 tấn rau củ, quả; trên 45 tấn xương, thịt heo; 50 tấn gà; 25 tấn gạo; 25.000 trứng và hàng chục tấn trái cây cùng 5 tấn các loại thực phẩm như mỳ, xúc xịch, giò lụa, lạp xưởng, bột ngọt, hạt nêm, nước năm, nước tương, đường, tổng trị giá hàng hóa hỗ trợ là hơn chục tỷ đồng.
Hạn chế chuỗi đứt gãy nông sản
Theo ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Biên Hòa, UBND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các xã phường, cộng tác viên để duy trì thực hiện chương trình hỗ trợ cho những gia đình công nhân ở trọ, hộ có hoàn cảnh khó khăn những túi quà, đảm bảo hỗ trợ nhu yếu phẩm đủ dùng cho một gia đình khoảng từ 5 -7 ngày, chương trình được thực hiện trong suốt thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với Chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân gặp khó khăn do đại dịch, góp phần an sinh xã hội, ổn định cuộc sống của người dân. Với chức năng quản lý ngành, thực hiện mục tiêu kết nối cung cầu, hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ nông sản cho các nhà vườn, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp sản xuất, hạn chế đứt gãy trong chuỗi tiêu thụ và vận chuyển nông sản trong trong thời gian giãn cách. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kết nối đường dây nóng, số điện thoại gửi đến các địa phương và thông báo công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tiếp nhận, hướng dẫn, tham mưu xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiệu thụ, lưu thông hàng hóa, hỗ trợ nguồn cung cho các điểm bán hàng bình ổn giá.
Đồng thời thông qua đường dây nóng, bộ phận tổng đài trực cũng tư vấn hướng dẫn cho một số công ty, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện (có mã tra cứu QR); đăng ký “Luồng xanh” vận tải ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; cung cấp thông tin nhóm hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng thiết yếu cho các đơn vị kịp thời để thực hiện thủ tục lưu thông vận chuyển nông sản được thuận lợi.