Là địa phương có dư địa phát triển vùng nguyên liệu nông sản phục vụ chế biến lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn luôn phải tìm kiếm nguồn nông sản từ các nơi khác như: Hải Dương, Hòa Bình…
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu chia sẻ, doanh nghiệp chỉ thu mua được có 30% nguyên liệu tại Bắc Giang. Trong khi doanh nghiệp đang có nhu cầu chế biến xuất khẩu từ 2.000-5.000 tấn sản phẩm đậu tương rau xuất khẩu, riêng chanh leo thì không hạn chế về số lượng.
Nhìn lại quãng thời gian cao điểm các container trái cây, nông sản bị ách tắc tại cửa khẩu biên giới vừa qua, các nhà máy chế biến của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) phải nâng công suất hoạt động mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm tấn sản phẩm nông sản các loại. Các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chuối, chanh leo gặp khó khăn trên cửa khẩu, Doveco đều sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ.
Trong khi nhiều nông sản không biết tiêu thụ ở đâu thì hầu hết các nhà máy chế biến đang rất cần và thiếu nguyên liệu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chỉ ra, dịch COVID-19, rồi đến những tắc nghẽn ở cửa khẩu biên giới vừa qua đã cho thấy sản xuất nông nghiệp vẫn còn chưa chú trọng nhiều trong xây dựng chuỗi cung ứng đưa các sản phẩm vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp nên việc triển khai các chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp bị hạn chế; hiệu quả sản xuất chưa cao, khi rủi ro, lãng phí sản xuất còn lớn; thu nhập của người nông dân còn thấp.
Kết nối từng mắt xích trong chuỗi giá trị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chú trọng đẩy mạnh toàn diện lĩnh vực chế biến, từ xây dựng vùng nguyên liệu, khâu sơ chế, bảo quản đến tinh chế và chế biến sâu.
Đặc biệt, xác định vùng nguyên liệu là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững, việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.
Đề án sẽ hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
Trên nền tảng này, các vùng sẽ phát triển hạ tầng sản xuất và kinh doanh phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Qua đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, thương mại trong các vùng nguyên liệu nhằm cắt giảm khâu trung gian; giảm chi phí rủi ro trong sản xuất và thương mại sản phẩm, đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo khu vực tứ giác Long Xuyên cho rằng, nếu thực hiện thành công việc xây dựng vùng nguyên liệu, các ngành hàng sẽ hoàn toàn chủ động trên toàn bộ chuỗi, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giải quyết được các điểm "vênh" của chuỗi cung – cầu, không còn cảnh vừa thừa sản lượng vừa thiếu sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng.
Cả nước có gần 8.000 doanh nghiệp chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu với tổng công suất đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm. Sản phẩm nông sản được chế biến sâu đạt trên 35%, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản hàng năm từ 5 – 10%/năm. Xuất siêu ngày càng tăng đưa nông sản Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn nhận ở góc độ đầu tư cho chế biến, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit có quan điểm, việc phát triển xây dựng chế biến không khó. Khó là kết nối thị trường. Các địa phương rất cần xây dựng trung tâm tiếp nhận và phân bổ thông tin cho vùng trồng; làm đầu mối kết nối các mã vùng trồng; thành lập trung tâm bảo quản, sơ chế… Từ đó có thể kiểm soát vùng trồng và kiểm soát thị trường tiêu thụ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, để sản phẩm được thu mua vào các nhà máy cần chuyển biến về tư duy nhận thức nhằm hình thành chuỗi liên kết chế biến. Muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã… Các địa phương có vùng nguyên liệu cần quan tâm đến hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào các nhà máy chế biến.