Tham dự hội thảo trực tuyến có khoảng 80 nhà đầu tư Trung Quốc và đại diện các sở ban ngành có liên quan của tỉnh Bình Dương.
Hội thảo trực tuyến đã hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc nắm bắt tình hình, môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Hiện, tổng số dự án đầu tư tại tỉnh Bình Dương là 1.515 dự án, tổng vốn đầu tư trên 8,8 tỷ USD, bao gồm: Trung Quốc Đại lục có 432 dự án với tổng số vốn 1,3 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) có 845 dự án với tổng vốn đầu tư là 5,4 tỷ USD, Hong Kong (Trung Quốc) có 234 dự án với tổng vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD, Ma Cao có 4 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 41 triệu USD. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, linh kiện điện tử và các sản phẩm đồ điện gia dụng...
Tại hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã quan tâm, kiến nghị, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương những vấn đề về: mức lương tối thiểu của lao động, quỹ đất để xây dựng nhà xưởng, các ngành nghề đầu tư nhất là các ngành về thép, quy trình, các thủ tục đầu tư.
Đại diện các sở ban ngành của tỉnh đã hướng dẫn, giới thiệu, giải thích chi tiết các vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm.
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương là tỉnh rất thân thiện và đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhưng những ngành nghề có nguy cơ gây ra ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động thông dụng, những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng thì tỉnh từ chối.
Ngoài ra, tỉnh cũng rất ưu tiên và khuyến khích thu hút những ngành nghề về công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, ngành nghề phát triển dịch vụ chất lượng cao |(dịch vụ logistic và hậu cần cho các doanh nghiệp).
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng khẳng định, Bình Dương cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư.
Tỉnh cũng tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội như: giao thông, cấp nước, điện, xử lý môi trường…; tiến hành quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Dương rất mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực từ Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc CCB, các Hiệp hội doanh nghiệp của hai quốc gia hỗ trợ cho tỉnh trong mời gọi thu hút đầu tư, mở rộng mối quan hệ nhằm nâng tầm hợp tác song phương và đẩy mạnh hợp tác đa phương để tạo ra những bước tiến đột phá mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Trong năm 2020, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID -19, song tỉnh Bình Dương vẫn nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,91%; GRDP bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng/năm (tương đương 6.500 USD); cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, duy trì và nâng cao giá trị nông nghiệp một cách hợp lý. Kim ngạch xuất khẩu đạt 27,443 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 21,466 tỷ USD; thặng dư thương mại của tỉnh năm 2020 đạt gần 6 tỷ USD.