Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, nhằm phát hiện những bất cập trong đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe, từ đầu năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, thanh tra toàn diện việc đào tạo, sát hạch lái xe của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch tại 63 Sở Giao thông Vận tải trên toàn quốc.
Qua kiểm tra, phát hiện các cơ sở đào tạo còn hiện tượng đào tạo vượt lưu lượng; chưa cập nhật kịp thời việc công khai cơ sở đào tạo trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông Vận tải. Việc kiểm tra, giám sát tập huấn cho giáo viên dạy thực hành lái xe có nơi chưa thực hiện...
Đặc biệt, việc khai thác dữ liệu DAT (giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) để quản lý đào tạo, dữ liệu của học viên để xác định hoàn thành chương trình đào tạo trước khi sát hạch còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức; xét duyệt thí sinh dự sát hạch chưa đủ điều kiện dữ liệu DAT.
Cùng với đó, việc tổ chức sát hạch có nơi chưa nghiêm, việc bố trí công chức, nhân sự cho phòng chuyên môn làm quản lý đào tạo, sát hạch vừa thiếu, vừa yếu, cá biệt một số cơ sở chỉ có 3 đến 5 người vừa thực hiện công việc này, vừa thực hiện quản lý vận tải như đường thủy, đường bộ...
Là thành viên đoàn thanh tra số 3, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và Người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) chia sẻ, ở một Sở Giao thông Vận tải, qua kiểm tra phát hiện chưa có phương án tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đặc thù cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, không biết đọc, không biết viết tiếng Việt.
Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải này chưa kiểm tra, rà soát quá trình đào tạo, để một số cơ sở đào tạo vẫn có học viên chưa đủ điều kiện tham dự các kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện một số cơ sở đào tạo, sát hạch tại Đồng Nai, Tiền Giang thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch và tiến độ đào tạo. Một số cơ sở đào tạo tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận để học viên chưa học đủ nội dung chương trình vẫn được tham gia kiểm tra cấp chứng chỉ và tham dự các kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe...
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, việc đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe thời gian qua đã được đổi mới, chất lượng có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng, nhạy cảm, liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần nên không tránh khỏi bất cập. Mặc dù đã áp dụng công nghệ quản lý giám sát đào tạo, sát hạch nhưng vẫn xảy ra trục trặc; con người và cả tư duy quản lý chưa thay đổi theo kịp công nghệ.
Nguyên nhân được ông Nguyễn Xuân Cường chỉ ra là do một số quy định của pháp luật cứng nhắc, không còn phù hợp, dẫn đến các trung tâm đào tạo, sát hạch, học viên khó thực hiện đúng. Cần nhìn thẳng vào sự thật để sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn, phòng chống tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-BGTVT về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Trong đó, yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định sẽ triển khai nghiêm túc Chỉ thị 05/CT-TTg, đồng thời Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có nhiều giải pháp với tinh thần quyết liệt, nhanh và hiệu quả. Đơn vị sẽ xây dựng và ban hành ngay kế hoạch chi tiết thực hiện chỉ thị với thời gian và lộ trình cụ thể cho từng công việc, khắc phục được ngay các "lỗ hổng" còn tồn tại trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trong thời gian ngắn nhất.
Khẳng định việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp cán bộ, người thực hiện không thể, không dám, không muốn tham nhũng tiêu cực, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, nội dung này sẽ được Cục tiếp tục duy trì, đẩy mạnh để vừa phục vụ quản lý, vừa giúp thanh, kiểm tra minh bạch hơn. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân rõ công việc; trong đó cấp Cục làm gì, trung tâm đào tạo, sát hạch làm gì. Việc này sẽ giúp xác định đúng trách nhiệm, rõ từng bộ phận, quy trách nhiệm đúng người, đúng việc.
"Đặc biệt, trong đào tạo sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng mở hơn, gỡ khó cho người học lý thuyết không có điều kiện học tập trung. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn phải đảm bảo", ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Song song với các giải pháp trên, các chuyên gia giao thông cho rằng, cần nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; trong đó, lưu ý kiểm tra nội dung đào tạo, thực hành lái xe trên đường đảm bảo quản lý chặt chẽ thời gian và quãng đường học thực hành lái xe. Bộ Giao thông Vận tải cũng kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cơ sở đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe vi phạm nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, nhìn thẳng vào khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục, các trung tâm đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã có những động thái quyết liệt, chấn chỉnh ngay những sai phạm, đồng thời tổ chức hoạt động một cách khoa học, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để hoạt động này đi đúng hướng, phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, cần tiếp tục chuyển đổi số trong đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe với độ an toàn và độ chính xác cao. Đào tạo theo hướng mở, rà soát lại chương trình đào tạo xem cái gì bất cập, chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc sát hạch phải được giám sát chặt chẽ hơn, hướng tới đầu ra đạt được chất lượng tốt nhất.