Đây là thông điệp được lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá 3 năm triển khai chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU do VASEP tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 31/10.
Xuất khẩu hải sản gặp khó khăn kép
Thống kê của VASEP cho thấy, thẻ vàng IUU của EU đã khiến xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU giảm 6%, năm 2019 giảm 15% và 9 tháng đầu năm 2020 giảm 13%. EU từ vị trí là thị trường xuất khẩu hải sản thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 0-480 triệu USD/năm, hiện nay rớt xuống vị trí thứ 5, sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây do cảnh báo thẻ vàng IUU và từ đầu năm 2020 đến nay bị tác động kép bởi dịch COVID-19 khiến giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này trong 9 tháng qua tiếp tục giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, là đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. Vì vậy, giữ vững thị trường EU là việc quan trọng mà VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy - hải sản Việt Nam nỗ lực trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi EU cảnh báo thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, với cam kết chung tay và đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước trong chương trình chống khai thác IUU, trong 3 năm qua, VASEP đã chủ động triển khai chương trình "Doanh nghiệp Hải sản cam kết chống khai thác IUU" với 4 nhóm hoạt động chính: Cam kết chống khai thác IUU; đề xuất, góp ý xây dựng các văn bản pháp lý liên quan; hợp tác với các bên và quan hệ quốc tế; truyền thông.
Trong số đó có 62 nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu cam kết "Nói không với hải sản khai thác IUU", chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc hợp pháp, kiên quyết nói không với hải sản của tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định.
Hiệp hội chủ động tham gia đề xuất, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quản lý hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản. Bên cạnh đó, VASEP cũng tích cực hợp tác và quan hệ quốc tế phục vụ công tác đánh giá, khắc phục thẻ vàng IUU của EU; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho chủ tàu cá, ngư dân, doanh nghiệp về thực hiện đúng quy định của IUU trước khi ra khơi và cập bến, quy định về lao động trẻ em trong ngành khai thác hải sản của Tổ chức Lao động Quốc tế…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như chưa có nhiều hoạt động trực tiếp hỗ trợ hoặc tác động hướng đến ngư dân. Việc phối hợp với các cảng cá và chi cục thủy sản địa phương vốn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hải sản chưa được chặt chẽ, thương xuyên. Việc hỗ trợ, giải quyết vấn đề về hồ sơ, công tác chứng nhận, khó khăn về nguyên liệu cho các doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết chống khai thác IUU chưa kịp thời.
Trong khi đó, cơ chế thúc đẩy, giám sát việc "cam kết tuân thủ" của các doanh nghiệp trong chương trình còn chưa nhiều.
Tạo động lực tuân thủ cho ngư dân
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu thủy hải sản vào EU sẽ bứt phá sau khi EVFTA có hiệu lực và đó cũng là động lực để doanh nghiệp, hiệp hội nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng "điểm nghẽn" hiện nay chính là ý thức tuân thủ của ngư dân, người trực tiếp khai thác hải sản chưa cao.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, với sụ nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, cộng đồng doanh nghiệp VASEP... việc khắc phục thẻ vàng IUU đã có chuyển biến tích cực.
Cả nước hiện có 82% số tàu đánh bắt hải sản được gắn thiết bị giám sát hành trình, việc truy xuất nguồn gốc hải sản cũng được cải thiện, hành lang pháp lý từng bước hoàn thiện… Tuy nhiên, khó khăn nhất trong việc khắc phục thẻ vàng chính là quản lý hoạt động của thiết bị giám sát hàng trình và ghi chép nhật ký khai thác.
Ông Nguyễn Việt Triều - Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản Cà Mau cho biết, việc bị cảnh báo thẻ vàng IUU đã ảnh hưởng trực tiếp ngư dân, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản. Tuy nhiên, tuyên truyền, khắc phục thẻ vàng của hiệp hội mới dừng lại ở mức nói, chưa có hoạt động cụ thể tại địa phương, đến trực tiếp ngư dân. Các doanh nghiệp cam kết không mua cá vi phạm IUU nhưng trên thực tế, ngay cả doanh nghiệp cũng không đủ cơ sở để đảm bảo cá của ngư dân không vi phạm, vì không có cơ chế cộng đồng trách nhiệm hay giao ước cụ thể.
Theo ông Nguyễn Việt Triều, hiệp hội cần phối hợp với cơ quan quản lý của địa phương tổ chức các chương trình đối thoại, tập huấn, tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân về việc tuân thủ quy định quốc tế về khai thác, đánh bắt hải sản.
Cùng nhận định, ông Huỳnh Văn Thải - Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bình Thuận chia sẻ, nhận thức và ý thức chấp hành của bà con ngư dân về các quy định khai thác, đánh bắt hải sản chưa cao.
Để giải quyết vấn đề trên, các doanh nghiệp thu mua hải sản cần kiên quyết, đoàn kết trong việc giám sát tuân thủ đối với tàu cá; tránh tình trạng tàu cá vi phạm không bán được cho doanh nghiệp này thì có doanh nghiệp khác đến mua, tạo điều kiện để ngư dân vi phạm.
Song song đó, doanh nghiệp cần tập trung vận động, nói rõ lợi ích kinh tế của việc chấp hành khai thác IUU đối với tàu thuyền đối tác, để ngư dân hiểu nếu tuân thủ tốt, khắc phục được thẻ vàng, doanh nghiệp xuất khẩu đi EU được nhiều thì sẽ thu mua nhiều hơn với giá tốt hơn. Ngược lại, nếu tiếp tục vi phạm và bị rút thẻ đỏ thì giá hải sản sẽ rất thấp, thậm chí không có nơi tiêu thụ, ngư dân sẽ là người chịu thiệt hại đầu tiên.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp luôn nỗ lực để thực hiện cam kết nói không với hải sản khai thác vi phạm IUU nhưng chính doanh nghiệp cũng không có đủ nguồn lực để giám sát tính trung thực của các tàu cá.
Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân là cần thiết nhưng chỉ là phần ngọn, muốn tháo gỡ "điểm nghẽn" về tính tuân thủ phải có hàng lang pháp lý và chế tài xử phạt vi phạm đủ tính răn đe. Chỉ khi ngư dân thấy rõ lợi và hại của việc tuân thủ hay không tuân thủ quy định thì mới tự giác thực hiện nghiêm các quy định. Việc này không chỉ phục vụ việc khắc phục thẻ vàng IUU mà chính là nền tảng để đưa nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài cho chính ngư dân.