Phát biểu khai mạc Ngày hội, ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I cho biết, ngày hội nhằm ghi nhận, cổ vũ, động viên những đóng góp của các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và thành viên hội quán, sự đóng góp tích cực của các hội quán trong thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh. Đây là dịp để nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển mô hình hội quán ở Đồng Tháp; tạo điều kiện cho các hội quán giao lưu, liên kết hợp tác, giới thiệu sản phẩm. Các hoạt động của ngày hội nhằm kết nối, thu hút các nguồn lực từ những chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ, phát triển hội quán.
Ngày hội diễn ra trong 2 ngày (18 và 19/11) với nhiều hoạt động như: Trưng bày giới thiệu hình ảnh, hiện vật, nông sản, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP (Chương trình "mỗi xã một sản phẩm") từ các hội quán; triển lãm thành tựu hội quán; hội thảo "Phát huy giá trị cộng đồng của hội quán"; tọa đàm "Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp"; tham quan thực tế mô hình hội quán; hội thi "Thủ lĩnh Hội quán Đất Sen hồng"; hội thi ẩm thực…
Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong tổ chức và hoạt động của mô hình hội quán.
Hội quán được thành lập là mô hình mới, cách làm sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) khởi xướng. Từ mô hình hội quán đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành với tên gọi Canh Tân hội quán được thành lập vào tháng 7/2016, với 105 hội viên, đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp có 145 hội quán với gần 7.600 hội viên.
Hội quán là mô hình mở, dựa trên hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ "chuyện làng, chuyện xóm" và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, đã có hợp tác xã được thành lập từ mô hình hội quán và hoạt động của các hợp tác xã bước đầu đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Các hội quán hoạt động theo phương châm là "3 không" (không tổ chức bộ máy, không chi phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất), "3 cùng" (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng) và "3 tự" (tự nguyện, tự quản, tự quyết định). Mỗi hội quán đều gắn với ngành nghề, lĩnh vực cụ thể và nội dung hoạt động của hội quán tương đối phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực như: chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp; sản xuất cá khô, mắm; sản xuất sản phẩm làm từ tre, gỗ; kinh doanh buôn bán; trồng hoa, kiểng; trồng cây có múi…
Ông Lê Thành Công cho biết thêm, hiện nay, Đồng Tháp đang đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, đông lạnh đến vận chuyển, thực hiện hậu cần xuất khẩu… và thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Vì vậy, vai trò của Ban Chủ nhiệm các hội quán rất quan trọng trong tuyên truyền, vận động các thành viên tích cực tham gia mô hình sản xuất tiêu biểu và liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo hướng mới, kết nối doanh nghiệp với nông dân để liên kết sản xuất - tiêu thụ, hợp tác sản xuất theo hướng nông sản sạch, chất lượng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng yêu cầu để vào các siêu thị và hướng đến xuất khẩu, tham gia thực hiện Chương trình OCOP, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng.