Qua đó, đánh dấu việc mở ra tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên đến cảng.
Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương cho biết, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, là khởi đầu tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển cho Cảng Chân Mây; đồng thời, tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Bắc Miền Trung và nước bạn Lào.
Ông Phan Quý Phương đề nghị, Cảng Chân Mây sớm hoàn thành các hạng mục, lộ trình đầu tư bổ sung dịch vụ và có giải pháp hiện đại hóa trong tổ chức sản xuất, giao nhận hàng hóa, phục vụ các hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu với chất lượng cao. Cùng đó, cảng cần tổ chức tốt dịch vụ logistic để góp phần giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp.
Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh, các sở ban hành liên quan cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hãng tàu, doanh nghiệp vận tải và đối tác cùng hợp tác, chung tay xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng và là trung tâm kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cho miền Trung.
Dịp này, Cảng Chân Mây đón chuyến tàu container đầu tiên Hải An View với sức chứa 1.577 TEU, mở ra tuyến dịch vụ vận tải container Hải Phòng - Chân Mây - Hồ Chí Minh, định tuyến 2 chuyến/tuần của hãng tàu Hải An.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Chân Mây Dương Bá Hoà cho hay, khai trương tuyến container khẳng định tiềm năng và lợi thế của Cảng Chân Mây. Cảng đã đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hệ thống hạ tầng, dịch vụ đáp ứng khai thác hàng container. Trang thiết bị, công cụ dụng cụ và kho bãi giai đoạn đầu đã sẵn sàng để phục vụ khai thác, xếp dỡ đảm bảo các tiêu chí khai thác hàng container, đáp ứng yêu cầu của hãng tàu về an toàn và năng suất.
Việc triển khai dịch vụ container, mở đường định tuyến nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí logistics, tiết kiệm được thời gian, góp phần mang lại sự thành công cho các doanh nghiệp.
Thời gian tới, Cảng Chân Mây chủ trương đầu tư mở rộng diện tích kho bãi chứa container, đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư các thiết bị chuyên dụng, ứng dụng các phần mềm quản lý khai thác cảng, khai thác hàng container… để nâng cao năng suất đáp ứng các tiêu chí của các hãng tàu. Cùng đó, cảng tiếp tục xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng khai thác hàng container khi lượng tàu và hàng hóa gia tăng.
Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là một trong những cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Cảng nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế và Đà Nẵng), khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân - Vườn quốc gia Bạch Mã), đô thị du lịch quốc gia Huế và là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Các ngành nghề kinh doanh được khai thác chủ yếu ở đây bao gồm dịch vụ cầu bến; khai thác, xếp dỡ hàng tổng hợp, khai thác hàng container; tàu khách du lịch; dịch vụ kho bãi; vận tải thuỷ bộ; đại lý hàng hải; dịch vụ logistics… Cảng Chân Mây hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng đón được các cỡ tàu du lịch mới nhất và lớn nhất thế giới.
Mục tiêu phát triển thời gian tới là đón tàu container, tàu hàng có trọng tải đến 70.000DWT; đồng thời xây dựng khu chuyển tải 200.000DWT, du DEPOT, kho ngoại quan, kho chuyên sử dụng cho việc nhập hàng lẻ xuất nhập khẩu (CFS).