Tại cuộc họp về tiến độ triển khai Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng trọng xe trên toàn quốc - Giai đoạn 1 diễn ra ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa Bộ trưởng đề nghị các nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ thể hiện quyết tâm, phấn đấu đến 30/4/2017 sẽ ký xong các hợp đồng với các trạm còn lại để 30/6/2017 sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Trạm thu phí BOT Tasco trong ngày đưa vào thử nghiệm công nghệ thu phí không dừng. Ảnh: Quang Toàn/TTXVN |
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần VETC - chủ đầu tư dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 của Bộ Giao thông Vận tải, tới nay Công ty đã ký hợp đồng tổ chức dán thẻ với Cục Đăng kiểm Việt Nam và 77 trung tâm đăng kiểm. Ngoài ra, Công ty cũng đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên khắp cả nước để tổ chức dán thẻ trực tiếp đến các doanh nghiệp, các khu vực gần trạm thu phí và đã dán được khoảng 60.000 thẻ.
Cũng theo VETC, hiện đã có 5 trạm thu phí thực hiện hợp đồng thu phí thương mại là các trạm Quảng Đông (Quảng Bình), Toàn Mỹ (Km1813+650, Đắk Nông), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Trạm K1610+800 (Đức Long Gia Lai 1), Km1667+470 (Đức Long Gia Lai 2). Tốc độ xe qua các trạm này đạt đến 50 km/h và độ chính xác của hệ thống đã đạt trên 99,8%.
Trong tháng 3/2017, VETC cũng sẽ đưa vào vận hành thu phí ETC thêm trạm Hòa Phước (Đà Nẵng). Đại diện VETC cũng khẳng định, chi phí khởi điểm của hệ thống thu phí tự động không dừng cũng chỉ bằng chi phí cho thực hiệ thu phí thủ công một dừng và càng về sau chi phí này sẽ càng giảm. Tuy nhiên, theo VETC hiện vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình đàm phán giữa VETC và các nhà đầu tư BOT về triển khai thu phí ETC tại các trạm thu phí, dẫn đến tiến độ triển khai các trạm thu phí chậm hơn so với kế hoạch đề ra.
Tại cuộc họp, đại diện các nhà đầu tư đều thể hiện sự đồng tình ủng hộ chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải trong triển khai lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Việc áp dụng thu phí không dừng không chỉ tiết kiệm thời gian cho người tham gia giao thông mà cũng giúp tiết kiệm cho nhà đầu tư BOT trong chí phí in vé, chi phí bảo trì mặt đường khu vực trạm thu phí cũng như giảm ô nhiễm môi trường khu vực này.
Tuy nhiên, đại diện các nhà đầu tư cũng tỏ ý băn khoăn về tỷ lệ tính phí giữa nhà cung cấp dịch vụ, vai trò của nhà cung cấp tín dụng trong đàm phán với nhà cung cấp dịch vụ, cũng như đề nghị cần có nhiều nhà cung cấp dịch vụ để các nhà đầu tư BOT có sự lựa chọn.
Sau khi nghe đại diện các Vụ, Cục đánh giá quá trình đầu tư, nghiệm thu các trạm đã hoàn thành cũng như các khía cạnh pháp lý của Dự án, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư BOT tại cuộc họp. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan của Bộ tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tính an toàn, tính hệ thống cũng như lộ trình thực hiện của dự án.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Pháp chế và Ban Quản lý các dự án đối tác công - tư, sau cuộc họp này, rà soát kỹ, hoàn chỉnh hợp đồng mẫu giữa nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng với các nhà đầu tư BOT trước khi gửi các nhà đầu tư BOT nghiên cứu tiến tới ký các hợp đồng sử dụng dịch vụ.
Đối với các nhà đầu tư BOT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng về nguyên tắc, dự án phải không ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án BOT, chi phí thu phí tự động không cao hơn chi phí thu phí một dừng; các nhà đầu tư BOT phải đàm phán với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để có mức phí hợp lý nhất.
Về phía nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu doanh nghiệp này cũng cần có quan điểm cũng như mức tính toán hợp lý để thu hút các nhà đầu tư BOT sử dụng dịch vụ của mình. Đồng thời, có sự giới thiệu rộng rãi khả năng, tiện ích của dịch vụ tới các nhà đầu tư BOT.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, dịch vụ thu phí tự động đường bộ là giải pháp thu phí giao thông tiên tiến áp dụng công nghệ cao đã được triển khai và áp dụng thành công ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tiên tiến trên thế giới.
Dịch vụ này giúp các phương tiện không phải dừng đỗ tại các trạm thu phí, thanh toán phí sử dụng đường bộ bằng tài khoản điện tử. Từ đó, mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, xăng dầu cho chủ phương tiện; tránh gian lận, thất thoát và lãng phí trong xây dựng và vận hành các trạm thu phí cho các chủ đầu tư; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường cho xã hội; hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quản lý phương tiện vận tải.