Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, trong bối cảnh dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhất là tại TP Hồ Chí Minh là nơi có mật độ các chuyến bay đi đến nhiều nhất nước, việc khai thác các chuyến bay rất hạn chế. Thực tế đã phải tạm dừng khai thác chuyến bay đi từ TP Hồ Chí Minh đến một số địa phương. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh và các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn.
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông Vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông Vận tải.
Hiện tại, khung giá dịch vụ vận chuyển được quy định cụ thể tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, khung giá có dải giá từ 0 đồng đến mức tối đa của từng nhóm cự ly bay.
Cụ thể, giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá từ 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.
Cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều các hãng hàng không tư nhân, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, với dải giá linh hoạt từ 10-15 mức giá, tương ứng với các điều kiện dịch vụ và thời điểm mua khác nhau.
Trước đó, tháng 6/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã lập Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không về việc chấp hành quy định của pháp luật của Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Cụ thể, Tổ công tác xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổ công tác báo cáo kết quả làm việc về Bộ Giao thông Vận tải; trong đó, làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc.