Khắt khe khi xuất hàng vào Nhật

Tại Toạ đàm “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2015-2019” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức ngày 21/7, các chuyên gia kinh tế cho rằng, triển vọng của các hiệp định là nền tảng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức.

Hạ rào cản thuế quan

Nhật Bản đã và đang được xem là thị trường đem lại nhiều lợi ích nhất về xuất nhập khẩu, đặc biệt Việt Nam luôn xuất siêu sang quốc gia này. Kể từ khi VJEPA có hiệu lực năm 2009, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đều đạt mức tăng trưởng trung bình 19%/năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, VJEPA là Hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên của Việt Nam kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trong vòng 10 năm kể từ khi VJEPA có hiệu lực, đến nay Việt Nam đã cam kết tự do hoá đối với khoảng 87,66% kim ngạch thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hoá đối với 94,53% kim ngạch thương mại.

Để thực hiện lộ trình cam kết, ngày 14/2, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BTC kèm Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo VJEPA giai đoạn 2015 - 2019. Theo đó kể từ ngày 1/4, sẽ có thêm 150 dòng hàng được cắt giảm thuế quan về 0%, nâng tổng số dòng hàng được xóa bỏ thuế kể từ khi VJEPA có hiệu lực lên 3.234, tương đương 34,09% toàn biểu thuế nhập khẩu. Các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử; nguyên phụ liệu dệt may, da giày có lộ trình xóa bỏ thuế quan sớm do những mặt hàng này thuộc lĩnh vực công nghệ cao, linh kiện lắp ráp, nguyên liệu phụ trợ cần nhập khẩu trong nước chưa đáp ứng được. Giai đoạn tiếp theo, thuế nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng còn lại cũng sẽ giảm dần để tiến tới đưa về 0% điều đó đồng nghĩa với việc hàng Việt sẽ có cơ hội lớn để thâm nhập thị trường Nhật Bản, đặc biệt lĩnh vực nông, thủy sản và hàng dệt may.

Mỗi ngày trang trại thu hoạch trên 65.000 trứng chim cút cung cấp cho Công ty CP rau quả Tiền Giang để chế biến xuất khẩu sang Nhật. Ảnh minh họa: Vũ Sinh- TXVN



“Nhật Bản sẽ trở thành nước nhập siêu sau 31 năm liên tục xuất siêu với mức độ cao. Quốc gia này đang có xu hướng chuyển nhập khẩu nhiều loại mặt hàng từ Trung Quốc sang nhập khẩu từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác”, ông Tạ Đức Minh, Vụ thị trường Châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công thương) nói.

Hàng loạt rào cản kỹ thuật cao

Mặc dù có những ưu đãi về thuế quan nhưng TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Hàng hoá Việt Nam vào Nhật vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ vì các quy định khắt khe của Nhật như yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm; các thủ tục, hàng rào kĩ thuật, chế độ bảo hộ…

“Theo số liệu WTO nhập khẩu hàng hóa từ các nước và vùng lãnh thổ vào Nhật Bản là 886 tỷ USD, riêng Việt Nam là 13,56 tỷ USD. Điều đó cho thấy, giá trị hàng hóa mà Việt Nam xuất, nhập khẩu vào nước này vẫn chỉ chiếm thị phần nhỏ, chưa đến 2%”, ông Nguyễn Sơn, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế (Bộ Công Thương) nói.  Theo ông Hà Huy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính), hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng đủ điều kiện về xuất xứ hàng hóa. Ví dụ hàng dệt may, giày dép hay các loại mặt hàng khác không dễ xuất khẩu sang Nhật mà phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Những mặt hàng gặp rào cản xuất xứ hoặc có mặt hàng lại không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch thực vật như gạo- có năm xuất được có năm không xuất do phát hiện dư lượng thuốc.


“Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quyết liệt như hiện nay, các hàng rào, rào cản thuế quan và phi thuế quan gần như hạ xuống bằng 0% nhưng rào cản kỹ thuật lại tăng lên ghê gớm”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nói.

“Luật của Nhật Bản rất chặt chẽ, không chỉ đơn thuần là giảm thuế. Không chỉ chứng minh xuất xứ từng loại nguyên phụ liệu mà để xuất hàng sang Nhật, doanh nghiệp còn phải liệt kê thời gian gia công, lương công nhân, độ tuổi công nhân trên 18 tuổi. Hàng rào kỹ thuật chỉ là một, có nhiều hàng rào khác mà không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ. Doanh nghiệp có thể ký với Mỹ nhưng nông sản Mỹ vào thị trường Nhật Bản lại không hề dễ. Xuất khẩu trái cây, hàng thủy sản vào thị trường này, doanh nghiệp phải đảm bảo vệ sinh an toàn cao; chứng minh đất đai không có bệnh tật, công nhận vùng đất sạch, sản xuất sạch…” đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản chia sẻ.

Để xâm nhập được vào thị trường Nhật Bản cũng như tận dụng được những ưu đãi về thuế quan, ông Tạ Đức Minh khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần phải khai thác mạnh nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản; nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm, đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu; đảm bảo an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ, quy trình sản xuất của phía Nhật Bản; tận dụng ưu thế đón làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản sang Châu Á trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về các hiệp định cũng như về tâm lý khách hàng Nhật Bản; duy trì mối quan hệ làm ăn lâu dài, chữ tín lên hàng đầu…






Minh Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN